Print

Khai mạc Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Hai, 22 /02/2021 18:39

Chiều 22/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 53.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 53 là phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, về cơ bản, chúng ta đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các biện pháp phòng, chống dịch vẫn đang được các cơ quan, các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình triển khai khẩn trương quyết liệt để kịp thời kiểm soát tốt tình hình.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bước sang năm Tân Sửu, tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2020, cùng với khí thế mới, thắng lợi mới từ thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần làm việc, trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực hết mình nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Trong đó tập trung vào việc chỉ đạo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV chu đáo, kỹ lưỡng và phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngay sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu đề xuất của Chính phủ về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là 19 đại biểu. Trong đó, lãnh đạo HĐND TP.Hà Nội là 3 người, 4 ban của HĐND TP mỗi ban có 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách.

Theo Ủy ban Pháp luật, do TP.Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận và thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý, bên cạnh việc bổ sung đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở HĐND TP thì việc xem xét tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương ở các quận và thị xã trên địa bàn TP Hà Nội là rất cần thiết. Đồng thời, qua rà soát và báo cáo của TP.Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, huyện, thị xã nhiệm kỳ 2016- 2021 trên địa bàn TP.Hà Nội còn thấp so với mức tối đa được Luật quy định. Vì vậy, đề nghị TP.Hà Nội có phương án sắp xếp, bố trí đủ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cần thiết cho HĐND các quận và thị xã Sơn Tây trong nhiệm kỳ 2021- 2026 để phù hợp với yêu cầu, khối lượng công việc và tăng cường năng lực giám sát, quyết định các vấn đề của địa phương trên địa bàn các quận, thị xã của TP.Hà Nội khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích thêm, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ tăng thêm 1 người so với nhiệm kỳ trước, nhưng về tổng biên chế hành chính Hà Nội được giao thì không tăng thêm theo đúng tinh thần chỉ đạo trong các nghị quyết của Đảng.

Quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 được 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

Vũ Thu