Print

Bảo tồn di sản tại TP.HCM: Mai sau còn một chút này

Thứ Ba, 23 /02/2021 14:07

Trong một hội thảo khoa học về di sản đô thị tại TP.HCM, TS.Nguyễn Minh Hòa- Ủy viên Hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM đã “gây sốc” khi đưa ra một danh sách gồm 18 công trình đã biến mất trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố… 

“Không thể cứ muốn là đập” 

Theo TS.Hòa, Thương xá Tax, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, Tháp quan sát PCCC đầu tiên của TP.HCM trong Sở Cảnh sát PCCC, Nhà đèn Chợ Quán hay Công viên Chi Lăng… đã biến mất không còn một dấu vết nào, giống như chúng chưa hề có mặt ở thành phố này. TS.Hòa dẫn thêm, kiến trúc sư danh tiếng của thế kỷ XX là Le Corbusier (người Thụy Sĩ và Pháp) có một câu nói đại ý: “Diện mạo của một thành phố lâu đời giống như khuôn mặt người lớn tuổi, mà đã là khuôn mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, có vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo. Nếu không có chúng, thì đó là khuôn mặt của ma-nơ-canh, bóng mịn nhưng vô hồn. Những di sản văn hoá- lịch sử- kiến trúc cũng chính là những nếp nhăn của khuôn mặt thành phố vậy”. 

Tòa nhà Hỏa xa Đông Dương (số 136 Hàm Nghi, quận 1) gắn với lịch sử phát triển ngành Đường sắt 

So với Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác ở Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta… thì TP.HCM không có nhiều di sản và di tích hoành tráng. Đáng ra, không nhiều thì phải chắt chiu, nhưng đáng tiếc là một loạt di sản lịch sử-kiến trúc bị biến mất lại diễn ra vào thời kỳ đô thị hoá nhanh của TP.HCM từ sau năm 1990. Có một ý nghĩ mặc định rất lạ là nhiều người đều “tâm niệm” rằng, đến TP.HCM chỉ là để kiếm tiền, để làm kinh tế. Điều đó vô hình trung dẫn đến ý thức về văn hoá, về giá trị của lịch sử phần nào giảm đi… Đơn cử, trước đây người Pháp xây dựng Tháp quan sát PCCC của Sài Gòn vào năm 1867, nhưng thế hệ sau đã phá bỏ di sản gần 200 năm tuổi này. Người ta phá xong rồi mới thông báo và sau đó xây lên một cái mới hoàn toàn. 

Một “lỗi” rất lớn là qua nhiều thập niên, TP.HCM đã không kiểm kê toàn bộ di sản để phân loại bảo vệ. Hay như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát… đều được thừa nhận về giá trị nhưng lại không được công nhận di sản do vướng chuyện chủ sở hữu, rồi các loại thủ tục…

Thời gian qua, tại các kỳ họp của HĐND TP.HCM, nhiều ý kiến về vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị đã được nêu. Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê (Ban Tuyên giáo Thành ủy), cơ quan này đã nhận được nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh, nhưng do hiểu biết hạn chế và quản lý chưa đi vào nề nếp, nên còn xảy ra những chuyện xót xa về cách hành xử với di sản. “Di sản là phần hồn của thành phố. Không có xưa thì không có nay. Nếu nhìn di sản như phần cần tháo dỡ, thì chúng ta đã đánh mất chúng ta”- ông Khuê nhận định. 

Đi tìm tiếng nói để xã hội hóa 

Theo TS.Nguyễn Thị Hậu- Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, TP.HCM nằm trong số ít đô thị mới đang ở giai đoạn khởi đầu phát triển, bởi vì ít nhất thành phố cũng còn giữ lại nhiều di sản kiến trúc từ thời Pháp… Việc bảo tồn và giữ nguyên các kiến trúc cổ này giúp thành phố giữ được chút ít “hồn đô thị” như Hà Nội, Hội An, Huế… Thế nhưng, các lợi thế này cũng đang có dấu hiệu bị xói mòn, bởi quy hoạch ồ ạt cho hạ tầng cao tầng. 

Dinh Thượng thư (tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng) 130 năm tuổi, có kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cảnh báo, quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, dẫn tới những hệ lụy phải trả giá đắt. Ngoài vấn đề quy hoạch, việc khai thác thương mại quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng các công trình kiến trúc, di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… đã làm cho di sản nhanh chóng xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Có thể thấy rõ, sự mất dần các công trình di sản kiến trúc, điển hình là các biệt thự cổ, đang là hồi chuông báo động cho sự mất cân đối của đô thị. 

Đáng nói, do chưa được quan tâm đúng mức, nên nhiều năm nay, một số công trình di sản bị xâm lấn, tranh chấp hoặc xuống cấp, chưa được trùng tu, bảo vệ. Điển hình như, đã có 560/1.400 biệt thự biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà xây thành nhà phố, dù trên giấy tờ đất vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự. 

Đừng để quá muộn 

Đầu tháng 10/2020, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn chủ đầu tư các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật. Đồng thời, giao UBND các quận, huyện có trách nhiệm tiếp tục rà soát, phân loại tất cả biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975, hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện phân loại bước đầu theo quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại.

Hiện, TP.HCM có khoảng 1.300 căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975 có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan, lịch sử, văn hóa cao nhưng đang dần xuống cấp. Phần lớn các biệt thự này tập trung ở các quận 1, 3, 5, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Ông Trương Kim Quân- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM đề xuất 3 giải pháp bảo tồn di tích. Đầu tiên là hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản pháp lý về phân cấp quản lý di tích, quy chế quản lý đầu tư tu bổ di tích; đẩy nhanh chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố. Thứ hai là xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích của thành phố đến năm 2030, từ đó chọn danh mục di tích có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, truyền thống… để có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Và, cuối cùng là giải quyết hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích riêng của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng công trình di tích. 

Quốc Định