Print

Phát triển BHXH tự nguyện: Phát huy vai trò già làng, trưởng bản

Thứ Bảy, 27 /02/2021 08:42

Tại huyện Đăk Pơ (Gia Lai), cơ quan và cán bộ BHXH đã biết phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ và những người có uy tín tại địa phương trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và đem lại kết quả tốt.

Tham dự một buổi tuyên truyền trực tiếp cùng bà Trần Thị Hồng Hạnh- Giám đốc BHXH huyện Đăk Pơ, chúng tôi chứng kiến mối quan hệ khăng khít giữa cơ quan BHXH và cán bộ cơ sở nơi đây.

Giám đốc BHXH huyện Đắk Pơ Trần Thị Hồng Hạnh đang trao đổi với ông Đinh Kri- trưởng thôn Hway

Đưa chúng tôi vào nhà người dân, ông Đinh Kri- Trưởng thôn Hway (xã Hà Tam) cho biết rành rẽ từng gia đình ở địa phương, người nào có thẻ BHYT và người nào chưa có thẻ BHYT. Sau màn chào hỏi và lãnh đạo BHXH huyện Đăk Pơ giới thiệu đôi nét về chính sách BHYT, BHXH tự nguyện, ông Đinh Kri đã trực tiếp trao đổi với bà con bằng tiếng của dân tộc mình.

“Nói tiếng Kinh bà con cũng hiểu, nhưng chỉ một số nội dung cơ bản, chứ để bà con hiểu sâu hơn thì tôi phải nói bằng tiếng đồng bào chúng tôi. Xã Hà Tam nay là xã nông thôn mới nên bà con ở đây không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa, chúng tôi phải vận động bà con tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe, để khi ốm đau có thẻ đi chữa bệnh. Ngoài ra, còn vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu”- ông Đinh Kri chia sẻ.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh- Giám đốc BHXH huyện Đắk Pơ cho biết thêm, những cá nhân là người có uy tín ở địa phương như ông Đinh Kri được BHXH huyện xem như sợi dây kết nối cơ quan thực hiện chính sách với bà con, để đưa thông tin chính sách đến bà con một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. “Ông Đinh Kri rất nhiệt tình và tiếp thu rất nhanh những điều cơ bản về BHYT, BHXH tự nguyện mà chúng tôi truyền tải. Ông còn là người được bà con rất yêu quý, nên ông nói chuyện, vận động bà con khá thuận lợi”- bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, việc người dân làng Hway không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí đã khiến áp lực công việc của BHXH huyện Đăk Pơ tăng lên nhiều, bởi việc vận động bà con tham gia BHYT không thể thực hiện ngày một ngày hai, do điều kiện kinh tế nơi đây vẫn còn khó khăn. “Chúng tôi phải xác định tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Bên cạnh đó, tuyên truyền về việc tham gia BHXH tự nguyện, để sau này bà con vừa được hưởng lương hưu, vừa có thẻ BHYT”- bà Hạnh chia sẻ.

Ở các làng khác tại Đăk Pơ, việc phát huy vai trò của những người có uy tín trong làng đã cho thấy  hiệu quả. Đơn cử như tại làng Groi, ông Đinh Phă- Bí thư Chi bộ làng và ông Đinh Năng- Trưởng làng đã sát cánh cùng cơ quan BHXH vận động, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; thậm chí bản thân ông Đinh Phă và ông Đinh Năng còn trực tiếp vận động được hàng chục người trong làng tham gia BHXH tự nguyện.

Đánh giá cao vai trò của các già làng, bà Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, để đưa chính sách đến với bà con, BHXH huyện đã chủ động thông qua các Bí thư Chi bộ hoặc Trưởng làng để thiết lập cầu nối trong việc tuyên truyền. Theo đó, BHXH huyện phối hợp với MTTQ và Đảng uỷ xã nắm danh sách những người có uy tín tại địa phương như: Bí thư, già làng, Trưởng bản. Tiếp đó, cán bộ BHXH phải phát tài liệu tuyên truyền, trao đổi, gặp gỡ nhiều lần để tuyên truyền, phổ biến chính sách, giúp các vị này nắm rõ những điểm cơ bản của chính sách. Thông qua những buổi tuyên truyền, cán bộ BHXH chia sẻ những điểm cơ bản của chính sách, những vị có uy tín ở địa phương sẽ giải thích rõ hơn cho bà con bằng tiếng dân tộc. Trong các cuộc họp chi bộ, họp làng, những người có uy tín lại tiếp tục tuyên truyền thêm cho bà con…

Đăk Phơ là huyện có kinh tế còn rất khó khăn, với khoảng 41.000 dân, trong đó lực lượng lao động có khoảng 21.000 người; đồng bào DTTS chiếm hơn 30%. Với dân số ít, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2020, trên địa bàn vẫn có 877 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 4% lực lượng lao động. Trong số đó, có 140 người tham gia BHXH tự nguyện là người DTTS, 62 người nghèo và cận nghèo. So với những địa phương khác, con số này quá nhỏ, song nếu nhìn vào cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế của Đăk Pơ thì “kết quả nhỏ” này quả là một “thành tựu” khẳng định rõ nỗ lực không mệt mỏi của những người làm công tác BHXH.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Gia Lai) cho biết, trong năm 2020, tỉnh Gia Lai có 12.954 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt chỉ tiêu được giao. Trong đó, một số địa phương có đặc thù riêng với điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ đồng bào DTTS cao, song đã có các mô hình sáng tạo trong vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, BHXH Đăk Pơ đã rất “sát sườn” với địa phương, thông qua già làng, trưởng bản và những người có uy tín trên địa bàn để đưa chính sách đến với bà con.

Trà Giang

Huyện nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai với 14 xã, thị trấn và có tỷ lệ khá đông người Bahnar và Jrai. Thời gian qua, BHXH huyện đã xác định rõ giải pháp đặc thù để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, đổi mới phương pháp tiếp cận người dân. Phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại các làng, xã, gặp gỡ trực tiếp các hộ gia đình đồng bào DTTS. Qua đó, giúp cho Kông Chro và Đăk Pơ là những địa phương có số người DTTS tham gia BHXH tự nguyện cao của tỉnh Gia Lai.