Print

Những người “vác tù và hàng tổng”

Chủ nhật, 28 /02/2021 15:17

Thời gian qua, nhiều nhân viên đại lý thu đã tận tụy “vác tù và hàng tổng” đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Chính họ đang âm thầm lan tỏa tinh thần nhân văn, góp phần khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong cuộc sống. 

Kiên trì “gieo mầm” 

Chúng tôi có mặt tại bộ phận “Một cửa” của UBND xã Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) đúng lúc chị Hồ Thị Nguyệt đang hướng dẫn cho anh Hồ Văn Vía (thôn Ka Cú 1) hoàn tất thủ tục đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện. Vợ chồng anh Vía là nông dân, thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ trồng keo, tràm. Nghe chị Nguyệt giải thích về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện, vợ chồng anh Vía ưng ngay nên quyết định trích một phần tiền bán keo, tràm đăng ký tham gia và lựa chọn hình thức đóng một lần cho 5 năm liên tục. “Tham gia BHXH thì 20 năm sau, khi tuổi nhiều, sức không còn khỏe, mình có lương hưu, có thẻ BHYT miễn phí, không cần phải lo lắng, bấp bênh nữa”- anh Vía vui vẻ nói. 

Đại lý thu thực sự đã trở thành "cánh tay nối dài" của ngành BHXH Việt Nam

Biết tiếng Pa Kô nên chị Nguyệt hiểu rõ, điều quan trọng nhất trong vận động người dân là phải bằng cái tâm, đặt lợi ích của những người tham gia BHXH tự nguyện lên hàng đầu. Vì vậy, trước khi vận động, chị thường tìm hiểu kỹ, nắm rõ các quy định của chính sách cũng như mức thu nhập của từng người để tư vấn giúp họ lựa chọn mức tham gia phù hợp. “Rất nhiều người từng cho rằng, thời gian đóng BHXH tự nguyện dài như vậy (20 năm) thà để vốn mà làm ăn. Cũng có người tâm tình với tôi, họ dành tiền sau này đóng BHXH tự nguyện cho con. Tôi phân tích, các cháu đến tuổi trưởng thành phải cố gắng lao động, làm việc, từ đó sẽ có nhiều cơ hội. Còn anh/chị bây giờ đang làm ăn được, tốt nhất nên tham gia BHXH để sau này già yếu, có bất trắc xảy ra sẽ được bảo đảm về tài chính, có BHYT để chăm sóc sức khỏe, không phụ thuộc và gây ra gánh nặng cho con cháu. Bởi vậy, nhiều người đã hiểu và quyết định tham gia BHXH tự nguyện”- chị Nguyệt chia sẻ.

Cũng giống chị Nguyệt, 17 năm qua, chị Nguyễn Thị Hợp- đại lý thu xã Đông Cao (Phổ Yên, Thái Nguyên) luôn chủ động tranh thủ mọi lúc, mọi nơi gặp gỡ, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài tuyên truyền, tư vấn chính sách tại trụ sở xã, chị Hợp còn tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Nhận thấy bản thân mình nỗ lực là chưa đủ, chị chủ động phối hợp với các trưởng xóm, nhân viên y tế thôn/bản, chi hội trưởng phụ nữ cùng nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp nhiều người dân được tiếp cận với chính sách này. “Mình luôn cố gắng phân tích cho mọi người thấy được sự khác biệt giữa BHXH và BH thương mại để họ hiểu quỹ hưu trí là nguồn quỹ an toàn nhất, được Nhà nước bảo hộ và lương hưu do quỹ BHXH chi trả…”- chị Hợp cho biết.

Để người dân tham gia một cách bền vững, chị Hợp đã thường xuyên gặp gỡ, gọi điện hỏi thăm, quan tâm, động viên chia sẻ để giữ vững niềm tin của người tham gia; chủ động nhắc nhở người tham gia trước khi hết kỳ đóng, để họ có sự chuẩn bị và đóng tiền đúng kỳ hạn. Chị còn tranh thủ thời gian làm hồ sơ, nộp tiền đúng thời hạn để cấp sổ BHXH, thẻ BHYT kịp thời, đảm bảo các chế độ đúng quy định, qua đó củng cố thêm sự tin tưởng của người dân… 

Chị Nguyễn Thị Hợp- đại lý thu xã Đông Cao đang tư vấn cho bà con 

Đến Quảng Nam, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy phong trào phát triển BHXH tự nguyện đang lan tỏa khắp các thôn, bản. Đi đến đâu, chúng tôi cũng dễ dàng thấy bà con nhắc nhiều đến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Theo ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh, mỗi lần phát động thi đua tuyên truyền, BHXH tỉnh lại nhận được danh sách hàng chục người đăng ký tham gia, thậm chí có tháng lên tới cả trăm người; hàng chục cá nhân là nhân viên đại lý thu và cán bộ BHXH vận động được từ gần 100 đến gần 200 người tham gia BHXH tự nguyện mỗi tháng.

 Chia sẻ với chúng tôi, chị Phan Thị Biên- đại lý thu xã Bình Quý (huyện Thăng Bình)- người đạt giải Nhì trong phong trào thi đua với thành tích vận động được 153 người tham gia BHXH tự nguyện/tháng cho biết: “Cái khó nhất khi vận động người dân là kinh tế của họ còn khó khăn. Vì vậy, nếu chúng ta làm bài toán chia nhỏ, mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm vài ngàn đồng để tham gia BHXH tự nguyện thì ai cũng thấy hợp lý và dễ thực hiện”.

 Còn theo bà Nguyễn Thị Tám- đại lý thu xã Điện Quang (huyện Điện Bàn), người đạt giải Nhất phong trào thi đua với thành tích vận động được 180 người tham gia BHXH tự nguyện/tháng, nếu muốn người dân tin, trước hết phải giúp họ hiểu chính sách. “Tôi luôn dành thời gian tìm hiểu kiến thức về BHXH, BHYT để khi người dân hỏi mình giải đáp một cách rõ ràng nhất; đồng thời phải phân loại được đối tượng để tiếp cận một cách hiệu quả nhất. Để làm được điều đó, tôi bắt tay vào tìm hiểu cuộc sống của người dân. Mình có thể tiếp cận người dân bất cứ thời gian nào, bất cứ nơi đâu để chia sẻ với bà con… Chính cách làm này giúp mình tạo được niềm tin với người dân hơn…”- bà Tám bật mí.

 Nói về thành tích đạt được, bà Tám bảo: “Việc hưởng ứng phong trào thi đua không phải vì giải thưởng mà để mình có thêm động lực đem chính sách rất ưu việt đến với người dân. Thật ra, tôi phải cảm ơn phong trào thi đua, cảm ơn chính sách BHXH tự nguyện, bởi nó đã giúp tôi gần dân hơn, được người dân trân quý hơn…”.

 Còn với chị Hồ Thị Dũng- đại lý thu xã Điện Trung (huyện Điện Bàn), chị lại chọn phương án tặng 600 con “heo đất” giúp các hộ gia đình bỏ tiết kiệm mỗi ngày 5.000 đồng để hàng tháng tham gia BHXH tự nguyện. Hay chị Nguyễn Thị Thu Hằng- đại lý xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) tuyên truyền, vận động các nhóm lao động tự do trên các công trình xây dựng thông qua chủ thầu, vợ hoặc chồng của NLĐ để tác động và lan tỏa chính sách.

Những hiệu ứng tích cực 

Được nhân viên đại lý thu tư vấn, bà Nguyễn Thị Thành (xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, và đến tháng 1/2021 bà Thành bắt đầu được nhận lương hưu hằng tháng. “Trước đây tôi đã tham gia BHXH được hơn 10 năm. Được tư vấn rất hợp tình, hợp lý nên tôi đã không chần chừ tham gia ngay BHXH tự nguyện và đóng một lần cho hơn 9 năm còn thiếu với số tiền hơn 180 triệu đồng để đủ 20 năm và được hưởng lương hưu theo quy định”- bà Thành kể.

 Cũng theo bà Thành, nếu không được tư vấn thì bà đã nhận BHXH một lần và sau này có thể trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu. Giờ đây, nhận thức rõ tính ưu việt của chính sách, bà Thành tâm niệm sẽ vận động người thân, bạn bè cùng tham gia để ngày càng có nhiều người được hưởng lương hưu như mình.

 Tại BHXH tỉnh Bình Thuận, nói đến công tác phát triển BHXH, BHYT tự nguyện, không ít người biết đến chị Nguyễn Thị Đông- nhân viên Trạm Y tế xã Đức Bình (huyện Tánh Linh). Với tinh thần không quản ngại khó khăn, từ đầu năm 2020 đến nay, chị Đông đã trực tiếp vận động được 157 người tham gia BHXH tự nguyện và 201 người tham gia BHYT hộ gia đình. Kết quả này giúp chị trở thành nhân viên đại lý thu phát triển được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện nhất huyện Tánh Linh.

 Ông Lê Văn Tám bị mắc bệnh phổi đã hơn 10 năm nay, nên từ lâu, tấm thẻ BHYT đã trở thành vật không thể thiếu, gắn bó với ông mỗi lần đi KCB. Gần đây, khi bệnh tình trở nặng, ông Tám phải nhập viện điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Thuận hơn 3 tháng trời. “Tôi và vợ lo lắm, vì biết số tiền điều trị sẽ rất lớn. Nhưng khi được các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị được BHYT chi trả, chúng tôi mới yên tâm”- ông Tám chia sẻ. Ông Tám còn bảo, nhờ được chị Nguyễn Thị Đông tư vấn, 10 năm qua ông luôn tham gia BHYT đầy đủ nên rất yên tâm chữa bệnh.

 Khi chứng kiến chồng quằn quại trong cơn đau, chị Nguyễn Thị Linh (cũng trú tại xã Đức Bình, huyện Tánh Linh) những tưởng mái ấm gia đình của mình sẽ sụp đổ. Đặc biệt, khi nghĩ về những khoản tiền phải chi trả, chị thấy áp lực đè nặng trên đôi vai, do mấy năm nay kinh tế gia đình chị sa sút. Hai năm trước, bao nhiêu của cải tích cóp, vay mượn đã tan theo dịch heo tai xanh. “Lúc đi cùng chồng tới BV, tôi chỉ còn biết trông vào tấm thẻ BHYT. Và quả thật, nó đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Hành trình điều trị, phục hồi của chồng tôi còn dài, nhưng tôi không còn quá lo lắng nữa, vì mọi chi phí đã được BHYT chi trả”- chị Linh tâm sự.

 Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều nhân viên đại lý thu còn chia sẻ: “Chúng tôi cũng chỉ mong có vậy. Giúp được bà con vượt qua khó khăn bệnh tật, có được cuộc sống ổn định khi về già qua chính sách BHXH, BHYT là vui rồi…”.

 Giúp người dân  tự “để dành”

 Hiện nay, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng nhanh số người tham gia BHXH. Tuy nhiên, tỷ lệ NLĐ được hưởng chế độ hưu trí trên thực tế vẫn còn thấp (hiện cả nước có khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu). Một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện để lo cho tương lai.

 Theo ông Trần Duy Sơn- Giám đốc BHXH huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, nhất là tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện đã phối hợp với chính quyền các xã cùng các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể mở rộng hệ thống đại lý thu, lựa chọn những người có uy tín làm cầu nối để tuyên truyền, vận động người dân. BHXH huyện đã ký hợp đồng đại lý thu với Trung tâm Dân số huyện nhằm phát huy kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân ngay tại khối, xóm với những hình thức truyền thông gần gũi, phù hợp đặc thù địa phương.

 Cũng theo ông Sơn, thông qua gian hàng truyền thông về BHXH tự nguyện tại các phiên chợ, bà con không chỉ được tuyên truyền về chính sách mà còn được cán bộ BHXH giải đáp, tư vấn, hướng dẫn cách thức tham gia BHXH tự nguyện. “Chúng tôi quan niệm, tuyên truyền không chỉ là cung cấp thông tin chính sách một cách cứng nhắc, mà phải đúng, trúng từng đối tượng, phù hợp với từng hoàn cảnh. Cán bộ BHXH phải thấu hiểu và tinh tế, sâu sát hơn với mỗi gia đình, để từng bước phổ biến kiến thức, thay đổi nhận thức của người dân”- ông Sơn chia sẻ.

 Vũ Thu- Lê Văn