Print

Quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện hưởng trợ cấp thai sản

Thứ Tư, 03 /03/2021 13:33

Bạn đọc có địa chỉ email Duongngoc222@gmail.com hỏi: Tôi được công ty đóng BHXH từ tháng 1/2020. Đến tháng 8/2020, công ty cắt giảm việc đóng BHXH mà tôi không hề biết. Sau khi nghỉ thai sản, tôi mới biết công ty nợ tiền BHXH 4 tháng. Vậy tôi có được nhận trợ cấp thai sản không? Nếu muốn tự đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thai sản, cần những điều kiện và thủ tục gì?

- Trả lời:

* Khoản 2 và Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con như sau:

Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 4, Điều 31 Luật BHXH quy định: NLĐ đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Người SDLĐ có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BH thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ.

* Về thủ tục hồ sơ và trình tự giải quyết chế độ thai sản:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 101 Luật BHXH 2014, thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con gồm có:

- Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con;

- Bản sao Giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao Giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

- Giấy xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

- Trích sao Hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh;

- Giấy xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.

Điều 102 Luật BHXH 2014 và Điều 14 Thông tư số 59/2015/TTBLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như sau: NLĐ có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người SDLĐ. Trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi cư trú.

Do bạn không nêu cụ thể thời điểm bạn sinh con, thời gian đóng BHXH tính đến thời điểm bạn sinh con… nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để trả lời cụ thể. BHXH Việt Nam cung cấp các quy định về điều kiện, thủ tục hồ sơ và trình tự giải quyết hưởng chế độ thai sản để bạn tự đối chiếu với trường hợp của mình, liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn cư trú để được trả lời cụ thể.

NS