Print

Ký ức tuổi thanh xuân sôi nổi

Thứ Hai, 05 /04/2021 06:59

Gom lại nỗi nhớ và những ký ức về Hà Nội trong những năm tháng tuổi thanh xuân sôi nổi, nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ cùng độc giả trong tập tản văn vừa ra mắt mang tên “Tuổi ấy mình yêu” (NXB Trẻ ấn hành).

Sinh ra tại Hà Nội những năm 1960, Lê Minh Hà có những tháng ngày tuổi thơ, tuổi thanh xuân đẹp đẽ gắn với mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Ngoài 30 tuổi, chị rời Hà Nội sang Đức định cư, nhưng những tâm tình vẫn luôn hướng về Hà Nội. Những trang viết của chị đủ làm người đọc rung cảm với tâm sự của một người phụ nữ Việt về mảnh đất, con người nơi quê cha đất tổ và “Tuổi ấy mình yêu” là một trong số ấy.

Hồi ức về Hà Nội là hồi ức của “tuổi mình”- của lớp thế hệ 6x, 7x. Chuyện của thế hệ ấy, tức là thế hệ vừa đi qua chiến tranh. Hà Nội còn đó những biệt thự Pháp sang trọng phố cũ, cả những khu tập thể mới náo nhiệt trọ một phòng ba bốn độc thân, mua bán ăn uống thảy theo tem phiếu. Đường phố vỉa hè rộng với rất nhiều thương nhớ cái tuổi mơ màng lãng mạn, “quá mù những vẫn chưa mưa”. “Tuổi ấy mình yêu” vì thế đẹp, trong veo những tình, không vụ lợi, toan tính...

Lý giải về tiêu đề “Tuổi ấy mình yêu”, nhà văn Lê Minh Hà bảo: “Có thể hiểu là tôi yêu tuổi ấy, tuổi trẻ của mình cũng là của “chúng mình” khi nói với người cùng lứa. Nhưng cũng có thể hiểu là tuổi ấy, chúng tôi yêu, biết yêu, mê đắm…”. Cuốn sách dù được NXB đề là tản văn, nhưng trong đó người đọc gặp từng câu chuyện riêng. Tác giả cũng coi những dòng mình viết ra ấy là truyện, bởi “ở đó thấp thoáng những con người cụ thể, những câu chuyện có thật, những cái tên thật. Nhưng nếu đi tìm nhân vật thì nhân vật chính phải là tôi, kẻ xa lạ, kẻ ngớ ngẩn đã ngẫu nhiên được chứng kiến những mảnh đời thật, sống qua rồi nhưng không thể nào gột đi được cảm giác ngậm ngùi, xót xa mà khi bé chưa biết cảm ra, nhưng càng ngày càng trĩu nặng khi nhớ”.

Dù viết về thanh xuân của thế hệ 6x, 7x, nhưng chắc chắn các bạn trẻ đương đại cũng có thể tìm thấy câu chuyện của mình, bóng dáng mình, thế hệ mình trong đó. Bản thân tác giả khi viết những dòng tản văn, những câu chuyện nhỏ này cũng không hề muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên những người trẻ- bởi sự khác biệt giữa các thế hệ luôn hiện hữu, cái chung chỉ là cảm nhận, là những xúc cảm, tình cảm với con người, với một vùng đất. Những trang viết cho người đọc hiểu một cách kỹ càng hơn về một mảnh đất- nói như Nguyễn Huy Tưởng, là cần phải sống cùng với nó, sống mãi với Thủ đô. Cũng có trong đó những tiếc nuối về những mất mát của Hà Nội, nhưng vẫn đầy lạc quan bởi có mất đi mới có bắt đầu của thời mới mà chúng ta đang gọi là phát triển...

Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Trương Quý không tiếc lời: “Những câu chuyện kể thú vị, được kể theo dòng hồi ức, từ ký ức này nảy ra ký ức khác- cũng như khi người đọc internet đọc từ link này sang link khác- nhưng bằng những dòng văn đẹp, trau chuốt, cổ điển… Cảm nhận của tôi là văn chị Hà rất kỹ càng, không bỏ sót một tính từ nào… Chị Hà đặc biệt rất giỏi trong chọn từ để mô tả tâm lý, trạng thái. Đó là cái mà tôi nghĩ phải trải nghiệm rất lâu, vốn từ rất phong phú, mới có thể điều khiển được như thế”.

Minh Anh

Nhà văn Lê Minh Hà tốt nghiệp Khoa Ngữ văn (ĐH Sư phạm) năm 1983. Chị sáng tác từ khi còn ở trong nước và cộng tác với nhiều tạp chí văn nghệ hải ngoại trước khi cho ra đời cuốn sách đầu tiên vào năm 1998. Một số tác phẩm đã ấn hành: “Trăng góa” (tập truyện ngắn, Thanh Văn, Mỹ, năm 1998); “Gió biếc” (tập truyện ngắn, Văn Mới, Mỹ, năm 1999); “Thương thế, ngày xưa...” (tản văn, Văn Mới, Mỹ, năm 2001); “Gió tự thời khuất mặt” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2005); “Thương thế ngày xưa & Những giọt trầm” (tản văn và truyện ngắn, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2005); “Sâm cầm” (tập truyện ngắn, in chung với Phạm Hải Anh, NXB Phụ nữ, Hà Nội 2004); “Truyện cổ viết lại” (in chung cùng Lê Ðạt, NXB Trẻ, TP.HCM 2006).