Print

UNDP: Giải pháp đảm bảo quyền có việc làm của người khuyết tật

Thứ Hai, 05 /04/2021 16:17

Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu NKT, nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Trong đại dịch Covid-19, đã có 30% NKT bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương.

Sáng 5/4, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cùng với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đã tổ chức Hội thảo tham vấn về “Giám sát việc thực thi Điều 27 của Công ước LHQ về Quyền của NKT (CRPD) trong lĩnh vực việc làm tại Việt Nam” nhằm trao đổi về cách áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người của CRPD (Công ước đã được Việt Nam phê chuẩn vào năm 2014). Qua đó, nâng cao năng lực của các nhà lãnh đạo cộng đồng từ các tổ chức của NKT, và giúp họ phát huy sức mạnh hiệp lực trong việc giám sát các chỉ số về quyền con người và đảm bảo việc làm hòa nhập cho NKT ở Việt Nam.

Theo UNDP, trên toàn cầu, Covid-19 đã gây ra nguy cơ mất việc làm và khó khăn trong việc tái gia nhập thị trường lao động cho hàng triệu NKT. Tại Việt Nam, hiện có hơn 6,2 triệu NKT, nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với NKT từ 15 tuổi trở lên: 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. “2 triệu NKT thất nghiệp tương đương với việc Việt Nam mất đi 3% GDP tiềm năng mỗi năm. Việc loại trừ NKT ra khỏi hoạt động phát triển kinh tế chung thông qua việc làm, tương đương Việt Nam “hao hụt” từ 1 đến 7% tổng sản phẩm trong nước”, bà Đào Thu Hương- Cán bộ Quyền của NKT của UNDP Việt Nam chia sẻ. Đặc biệt, đánh giá nhanh của UNDP về Tác động kinh tế- xã hội của đại dịch Covid-19 đối với NKT chỉ ra rằng: họ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Đã có khoảng 30% NKT bị mất việc làm trong đại dịch Covid-19, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương... Điều này khiến cơ hội việc làm của nhóm NKT càng co hẹp lại.

UNDP khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường cấu trúc thể chế, hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy việc làm của NKT; xây dựng định mức việc làm công và tư của NKT; Có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của NKT; Bổ sung quy định về các phương pháp tiếp cận trong đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…

“Bằng cách hợp tác cùng nhau để bảo vệ quyền việc làm của NKT, chúng ta đang thực hiện những hành động thực tiễn nhằm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 (SDG8) về Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm và bền vững, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và công việc thỏa đáng cho tất cả mọi người", bà Diana Torres- Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh. Theo chuyên gia này: "Phục hồi và chung sống cùng COVID-19 mang lại cho Việt Nam cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, bằng cách tăng cường bảo vệ NKT và tạo cơ hội cho NKT tăng cường đóng góp vào nỗ lực phục hồi của đất nước. NKT chắc chắn là người cầm lái trên chặng đường này. Không ai khác có thể thay thế vai trò quan trọng của họ, bằng cách nâng cao nhận thức về một môi trường làm việc hòa nhập cho NKT”.

Thái An