Print

BV Nhân dân 115 xác lập thêm Kỷ lục Việt Nam

Thứ Ba, 06 /04/2021 17:21

Ngày 6/4, BV Nhân dân 115 tổ chức Lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam Đơn vị đầu tiên đạt chuẩn Kim cương trong điều trị đột quỵ của Tổ chức Đột quỵ thế giới. 

Hồi giữa năm 2019, Trung tâm Đột quỵ BV Nhân dân 115 được Tổ chức Đột quỵ thế giới xác nhận là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn Kim cương, với khoảng thời gian rút ngắn còn 45 phút, tính từ khi bệnh nhân đến cổng BV và bắt đầu được xử trí đột quỵ. 

Điều này thoạt nghe rất đơn giản, nhưng để đạt được khoảng thời gian 45 phút này theo chuẩn Kim Cương, Trung tâm Đột quỵ BV Nhân dân 115 với sự ủng hộ hết lòng từ Ban Giám đốc, đã nhịp nhàng phối hợp với các Khoa, phòng liên quan (Cấp cứu, cận lâm sàng, hành chính...) mới có thể rút ngắn thời gian.

“Chúng tôi phải tập huấn đội ngũ bác sĩ, NVYT khoa Cấp cứu, để khi tiếp nhận bệnh nhân có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý mạch máu não, đột quỵ. Từ đó, mới phối kết hợp với cận lâm sàng để xử trí phù hợp, đồng thời trong rất nhiều tình huống, phải phối hợp với Phòng Hành chính để hóa giải các rào cản thủ tục, mục tiêu cuối cùng là chuyển bệnh đến đúng Trung tâm Đột quỵ trong thời gian sớm nhất, không nhiều hơn 45 phút theo tiêu chuẩn Kim cương...”- PGS.BS.Nguyễn Huy Thắng- Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, đơn vị giữ vai trò quan trọng trong Trung tâm Đột quỵ BV 115 chia sẻ. 

Được biết, Tổ chức Đột quỵ thế giới thiết lập các chuẩn Kim cương, Platinum, Vàng... dựa vào trên dưới 10 khuyến cáo y khoa về xử trí đột quỵ. Các khuyến cáo này hình thành bởi dự liệu thu thập toàn cầu theo nguyên tắc y học thực chứng. Trong các tiêu chí xét chọn tiêu chuẩn, thời gian tính từ khi bệnh nhân đến cổng BV và bắt đầu được xử trí đột quỵ theo các khuyến cáo là hết sức quan trọng. Tầm quan trọng của thời gian bệnh nhận đột quỵ được tiếp cận các bước xử trí đúng bắt nguồn từ “thời gian vàng”, một khái niệm quan trọng bậc nhất trong vấn đề này. 

Theo PGS.Thắng, “khung 3 giờ” sau đột quỵ là thời gian vàng để xử trí với phương pháp nội khoa, tức dùng thuốc Tiêu sợi huyết để đánh tan huyết khối. Quá thời gian này, can thiệp xử trí huyết khối bằng dụng cụ là điều phải làm nếu muốn bệnh nhân có cơ hội bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, thời “gian vàng ấy” cũng chỉ hạn hẹp không quá 5 giời tính từ khi đột quỵ, một số trường hợp hy hữu có thể kéo dài đến 6 giờ hoặc hơn một chút, và chắc chắn là không nhiều. 

Với sự eo hẹp thời gian trong điều trị, xử trí đột quỵ, nên Tổ chức Đột Quỵ thế giới mới đặt chuẩn Kim cương với khung giờ 45 phút kể từ khi bệnh nhân đến cổng bệnh viện. “Đạt chuẩn này rõ ràng cứu được nhiều người hơn”- PGS.Thắng chia sẻ. Trước 2019, lúc còn chuẩn Vàng (thời gian hơn 60 phút), Trung tâm Đột quỵ BV 115 thông mạch cứu sống hơn 430 bệnh nhân đột quỵ “hết thuốc chữa”/năm. Sau khi đạt chuẩn Kim cương, số bệnh nhân đột quỵ “hết thuốc chữa” vẫn cứu sống được tăng gấp đôi. “Chỉ cần BV rút ngắn thời gian, nhiều mạng sống bệnh nhân được kéo dài”- PGS. Thắng đúc kết. 

Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới, cùng với Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Malaysia, Việt Nam thuộc tốp 5 quốc gia thực hành nhiều nhất các khuyến cáo từ tổ chức này trong tiếp nhận, xử trí đột quỵ. “Điều này rất có lợi cho bệnh nhân đột quỵ”- PGS. Thắng khẳng định. Trung tâm Đột quỵ BV 115 lâu nay, với sự dẫn dắt của PGS. Thắng, đã “dọc ngang” nhiều tỉnh, thành cả nước để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật xử trí đột quỵ. Đến nay, cả nước có 91 đơn vị đột quỵ. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có trên dưới 15 đơn vị có đủ năng lực tái thông mạch máu. 

Chia sẻ thêm với PV Tạp chí BHXH, PGS.Thắng nói có thể định nghĩa đơn giản, không quá hàn lâm rằng, một Trung tâm đột quỵ phải tái thông mạch máu thành công, tức hóa giải huyết khối (cục máu đông) bằng cách thức phù hợp nhất. “Nếu không thể giúp bệnh nhân tái thông mạch máu, xem như chưa giúp gì bệnh nhân, nói cách khác, đơn vị ấy chỉ có thể xử trí ban đầu, chưa thể trở thành một Trung tâm đột quỵ đúng nghĩa”- PGS. Thắng chia sẻ thêm.

Tại Lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam, PGS.BS Phan Văn Báu- Giám đốc BV Nhân dân 115, đã xúc động nói rằng “BV giúp bảo toàn mạng sống càng nhiều người thì niềm vui càng lớn”. Theo BS. Báu, hiện mỗi năm có trên dưới 13.000 bệnh nhân đột quỵ tìm đến Trung tâm Đột quỵ 115. “Bởi vậy, chúng tôi luôn nỗ lực từng chút một để không phụ lòng người dân tin tưởng, gửi gắm sức khỏe, tính mạng, không chỉ đột quỵ mà trong mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân...”- BS. Báu trải lòng. 

BV Nhân dân 115 là cơ sở y tế tuyến cuối cấp thành phố. Thời gian qua, bằng nỗ lực phục vụ, nghiên cứu, ứng dụng hàng loạt kỹ thuật mới, BV đã “giật” không chỉ 8 Kỷ lục Việt Nam mà còn đạt thêm 3 kỷ lục Châu Á về điều trị. 

Thanh Giang