Print

Thị trường lao động Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội việc làm

Thứ Tư, 07 /04/2021 10:58

“Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh doanh lâu dài mà còn giúp giữ chân nhân tài và tăng cường sự gắn bó của nhân viên”- Adecco Việt Nam, Công ty Cung cấp giải pháp nhân sự nhận định tại Bản cập nhật thị trường lao động Quý I/2021.

Theo đánh giá, từ đầu năm đến nay, thị trường lao động đang dần hồi phục. Cụ thể, dữ liệu từ Adecco Việt Nam cho thấy, số lượng việc làm trong tháng 3/2021 tăng 40% so với tháng 1. Đối với số lượng hồ sơ ứng tuyển, mức tăng trưởng là 26%.

Để có mức tăng trưởng này, đầu tiên là nỗ lực thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh; các doanh nghiệp đang từng bước đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với mong muốn nhanh chóng phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế trì trệ; thành thạo hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và đối phó với lo âu do dịch bệnh. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi của ứng viên. Theo đó, mọi người có xu hướng do dự hơn khi thay đôi nghề nghiệp vì họ quan tâm hơn đến vấn đề ổn định và đảm bảo trong công việc. Trong khi tương lai ở công ty mới còn mơ hồ, việc ở lại công ty hiện tại nơi mà họ đã hiểu rõ chiến lược kinh doanh dường như là lựa chọn hợp lý hơn. Do vậy, tình trạng dịch chuyển lao động sau Tết không tăng đột biến như những năm trước.

Tuy nhiên, cũng có một số lĩnh vực chứng kiến sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng trong quý 1/2021 gồm: Kỹ thuật Sản xuất và Chế tạo, Năng lượng, CNTT, Thương mại điện tử, Điện tử, Thiết kế bán dẫn, Xây dựng dân dụng và Xây dựng công nghiệp. Đặc biệt, gần đây nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cho một số vị trí như Thiết kế vi mạch tương tự /Thiết kế kỹ thuật số/DFT (Thiết kế để kiểm tra)/Kỹ sư kiểm định, Kỹ sư/Quản lý chất lượng, Kỹ sư/Quản lý sản xuất cao cấp, Kỹ sư/Quản lý kỹ thuật, Nhân viên/Quản lý Bán hàng và Tiếp thị. Trong thời gian tới, sự kết hợp giữa làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam, khiến cơ hội việc làm và nhu cầu tuyển dụng tăng lên đáng kể.

Đáng chú ý, bên cạnh kinh nghiệm chuyên môn, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng coi trọng kỹ năng mềm khi tuyển dụng. Đầu tiên phải kể đến là kỹ năng am hiểu công nghệ. Kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hình thức làm việc từ xa, nền kinh tế kỹ thuật số và văn phòng ảo sẽ phổ biến hơn trong môi trường làm việc hiện đại. Theo sau là khả năng thích nghi và khả năng phục hồi. Cả hai đều được coi là những yếu tố cần thiết để đảm bảo tính bền vững của doanh nghiệp trong nền kinh tế Covid-19 đầy biến động. Học hỏi liên tục, hay học hỏi suốt đời, là một yếu tố không kém phần quan trọng vì những lợi ích đối với doanh nghiệp, chẳng hạn như dễ dàng hơn trong việc thích ứng với những thay đổi bất ngờ, khơi dậy những ý tưởng mới và đạt được lợi thế cạnh tranh.

Ông Andree Mangels- Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam chia sẻ, xuất phát từ sự cần thiết của những kỹ năng mới, việc đào tạo lại (re-skilling) và đào tạo nâng cao (up-skilling) là động thái không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh doanh lâu dài mà còn giúp giữ chân nhân tài và tăng cường sự gắn bó của nhân viên. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung vào đào tạo đội ngũ nhân lực hiện tại, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên gia Phát triển Nhân tài và Bán hàng. Mức lương hàng tháng cho các vị trí này có thể lên đến 80 triệu đồng. “Nguồn ứng viên phong phú có thể được xem là một yếu tố trọng yếu trong quy trình tuyển dụng vì những lợi ích nổi bật mà nó mang lại như rút ngắn thời gian tuyển, tạo điều kiện để đánh giá sự phù hợp văn hóa ngay từ đầu và tăng khả năng chấp thuận thư mời nhận việc. Đặc biệt, để duy trì được việc làm trong thị trường luôn thay đổi hiện nay, bạn nên chủ động bắt kịp những xu hướng mới nhất. Sau đó, hãy vạch ra cho mình kế hoạch phát triển với các mục tiêu thực tế để rèn luyện kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm”- ông Andree Mangels khẳng định.

V.Thu