Print

Bộ Nội vụ: Ban hành Văn bản hợp nhất quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức

Thứ Sáu, 09 /04/2021 11:46

Để hợp nhất quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ vừa ra Văn bản 2/VBHN-BNV.

Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức được Chính phủ quy định tại Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2015; sau đó, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 104/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020, có hiệu lực kể từ ngày 4/9/2020.

Để hợp nhất quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ vừa ra Văn bản 2/VBHN-BNV, theo đó, áp dụng với các đối tượng bao gồm:

Người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm nhưng không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ).

Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh Phó Trưởng  Ban các  Ban  Trung  ương Đảng,  Phó  Chánh Văn  phòng Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cấp phó các tổ chức chính trị- xã hội ở Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó TBT Báo Nhân dân, Phó TBT Tạp chí Cộng sản, Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; Sĩ quan trong LLVT có quân hàm cấp tướng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy là người dân tộc thiểu số (thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm nhưng không vượt quá 60 tuổi).

Để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, cán bộ, công chức thuộc đối tượng quy định phải đáp ứng các điều kiện như có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về Đảng, chính quyền. Khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, cán bộ, công chức vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.  Cơ  quan  có thẩm  quyền  quyết định  nghỉ  hưu ở  tuổi  cao  hơn  đối  với cán bộ, công chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu đối với các trường hợp này không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.  Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

Tùng Anh