Print

Có nên duy trì Giấy chứng nhận “không tự phục vụ”?

Thứ Bảy, 10 /04/2021 07:22

Anh S. mắc bệnh xơ gan cổ chướng- một loại bệnh hiểm nghèo. Do sức khỏe suy yếu, anh xin nghỉ việc tại cơ quan để điều trị bệnh. Theo quy định, anh S. thuộc diện được hưởng BHXH một lần. Với quá trình công tác 30 năm, anh S. nhẩm tính số tiền hưởng BHXH một lần khoảng 240 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ 1/3/2018), để hưởng BHXH một lần, hồ sơ của anh S. cần bổ sung thêm giấy chứng nhận không tự phục vụ do BV cấp.

Nhiều BV không xác định được tình trạng người bệnh không tự phục vụ (ảnh minh họa)

Cụ thể, Khoản 1 Điều 4 Thông tư này quy định các bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần gồm: “Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn”. Căn cứ điều này, NLĐ cần phải có thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.

Về trường hợp anh S, đại diện BHXH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Theo quy định của Luật BHXH thì anh S. bị xơ gan cổ chướng, thuộc diện được hưởng BHXH một lần. Nhưng tại Thông tư 56 hướng dẫn thêm là phải có chứng nhận không tự phục vụ được thì mới đủ điều kiện hưởng BHXH một lần. Chính vì thế, anh S. phải “khăn gói” từ Cà Mau lên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM- nơi anh từng điều trị bệnh để xin chứng nhận. Tuy nhiên, đại diện BV trả lời anh rằng: “BV không thể cấp giấy chứng nhận không tự phục vụ được, bởi BV không có thẩm quyền”.

Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM, quy định này đã và đang vấp phải sự phản đối gay gắt của NLĐ. Những người đến nộp hồ sơ theo diện bệnh nguy hiểm đến tính mạng đa phần đều rất cần tiền để chữa bệnh với hy vọng kéo dài sự sống. Tuy nhiên, trong bản tóm tắt bệnh án của BV đều không có nội dung xác nhận tình trạng không tự phục vụ được. Điều này đồng nghĩa với việc hồ sơ của NLĐ không đủ điều kiện để được giải quyết theo diện bệnh hiểm nghèo. “Khi bệnh nhân không còn tự kiểm soát hay không tự phục vụ được nữa cũng là lúc người bệnh sắp qua đời. Chúng tôi cũng rất băn khoăn, song chiếu theo quy định thì không có cơ sở để giải quyết BHXH một lần cho họ”- ông Mến chia sẻ.

Cũng theo ông Mến, BHXH TP.HCM đã có văn bản số 2515/BHXH-CĐ ngày 5/10/2020 gửi Sở Y tế và Trung tâm Giám định Y khoa TP.HCM đề nghị có ý kiến chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn lưu ý việc xác nhận tình trạng tự phục vụ của NLĐ khi cấp trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án, biên bản giám định y khoa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH trong việc tiếp nhận và giải quyết chế độ cho NLĐ.

Tuy nhiên, để việc thực hiện được thống nhất, Bộ Y tế nên nghiên cứu đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận không tự phục vụ. Về lâu dài, cần loại bỏ loại giấy này trong hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, để tạo thuận lợi cho người bệnh.

Trần Đức