Print

Phát triển BHYT tại các xã NTM ở Thừa Thiên Huế: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Chủ nhật, 11 /04/2021 20:35

Các xã vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù. Điều này tạo ra thách thức trong việc duy trì tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn. Trong khi đó, số lượng lớn lao động làm nghề biển thường xuyên vắng nhà nên việc gặp gỡ, vận động cũng không phải đơn giản…

Khó khăn mới

Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 xã bãi ngang (gồm 5 xã thuộc huyện Quảng Điền, 1 xã thuộc huyện Phong Điền và 1 xã thuộc huyện Phú Lộc) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Điều này đồng nghĩa với việc người dân tại những địa phương này không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí.

BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế vận động bà con tại các khu chợ hải sản tham gia BHXH, BHYT

Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận 5 xã bãi ngang (Quảng Thái, Quảng Ngạn, Quảng Lợi, Quảng An và Quảng Thành) thuộc huyện Quảng Điền đạt tiêu chuẩn NTM. Tuy nhiên, từ 31.845 người được cấp thẻ BHYT, đến ngày 28/2/2021- chỉ 2 tháng sau, 5 xã này chỉ còn 25.149 người tham gia BHYT, số giảm chủ yếu là HSSV và người đi làm ăn xa.

Trong số những người đi làm ăn xa có 1.055 người đã tham gia BHYT tại các địa bàn khác. Tỷ lệ “lủng” thẻ (thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp đến ngày dừng đóng BHYT) chỉ đạt mức 5/1.000 đối tượng và nguyên nhân chủ yếu do quên. Trong đó, Quảng Thái là xã khó khăn nhất trong số 5 xã bãi ngang được công nhận NTM, đối tượng chính sách nhiều (xã Anh hùng LLVT) và có nhiều người dân đi làm ăn xa. Song, nhờ chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các đoàn thể, địa phương, nên số người tham gia BHYT sau khi xã được công nhận NTM tăng gấp 3 lần so với chỉ tiêu đề ra (đạt 3.130/3.640 người).

Tại xã bãi ngang Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), chỉ sau 2 tháng được công nhận NTM đã giảm gần 1.700 thẻ BHYT. Để vận động một số nhóm tham gia BHYT hộ gia đình, từ tháng 1/2021, đại lý thu của xã đã thông báo trên loa truyền thanh. Tuy nhiên, xã có tới 1/3 dân số đi làm ăn xa nên việc vận động các trường hợp này rất khó khăn. Ngoài ra, một số hộ dân có đời sống kinh tế chưa ổn định, chưa sẵn sàng cho việc tham gia BHYT hộ gia đình.

Linh hoạt các giải pháp

Ông Đặng Ngọc Tiến- Phó Giám đốc BHXH huyện Quảng Điền cho rằng, việc vận động người dân tham gia BHYT tại các xã bãi ngang được công nhận NTM gặp trở ngại là do nhiều lao động đi làm ăn xa. Một số hộ dân là đối tượng vừa thoát nghèo, kinh tế chưa thực sự ổn định nên e dè chưa tham gia. Bên cạnh đó, một số người tuy đã được tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước...

Vì vậy, theo ông Tiến, để giữ vững tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH huyện đã đề nghị các xã thành lập Ban Chỉ đạo; tăng cường mở hội nghị tư vấn, tuyên truyền và vận động người dân tham gia BHYT. Nhiều hội nghị được mở tận thôn xóm, cán bộ BHXH được phân về xã nắm tình hình và đốc thúc công tác phát triển BHYT. Đồng thời, thành lập các tổ, nhóm công tác “đến tận ngõ, gõ tận nhà”. “Các đại lý thu nêu người thật, việc thật trong xã khiến người dân thay đổi nhận thức. Vấn đề còn lại là kinh phí mua thẻ BHYT. Điều này phụ thuộc vào tài khéo léo của các đại lý, như giúp hạch toán chi tiêu cho người dân để họ mua thẻ BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình”- ông Tiến chia sẻ.

Từ kinh nghiệm vận động, chị Hồ Thị Xuân- đại lý thu xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) cho hay, trước khi thẻ hết thời hạn vài tháng, các chị đã phải bám dân để tuyên truyền. Riêng với hộ cận nghèo, đại diện xã tích cực vận động thông qua các cuộc họp thôn, trong khi các nhân viên đại lý thu thì “tỉ tê” ngay tại hộ gia đình. “Một số hộ cận nghèo sau khi được tuyên truyền, vận động rất muốn tham gia nhưng kinh tế eo hẹp. Lúc ấy, các đại lý thu sẵn sàng bỏ tiền để hỗ trợ. Sau này, chính các hộ dân ấy lại tìm đến đại lý thu để trả lại tiền, từ đó họ gắn bó với BHYT hơn”- chị Xuân chia sẻ.

Thực tế ở huyện Phú Lộc cho thấy, chỉ tiêu phát triển BHYT đã được xác định rõ trong Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hộ̣i hằng năm của xã. Bên cạnh đó, chất lượng hệ thống KCB từ xã đến huyện được nâng cao; 100% trạm y tế xã vừa ra khỏi diện bãi ngang có bác sĩ… Vì vậy, đã giúp người dân yên tâm khi tiếp cận với các dịch vụ y tế và tự nguyện tham gia BHYT.

Theo ông Nguyễn Vinh- Giám đốc BHXH huyện Phú Lộc, để người dân tự nguyện tham gia BHYT, công tác tuyên truyền, vận động phải linh động, phù hợp, giúp người dân hiểu rõ giá trị của thẻ BHYT. Đặc biệt, cần chú ý đến đối tượng hộ cận nghèo; kịp thời tổ chức và phát huy tốt vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ nhân viên đại lý thu để lan tỏa chính sách đến cộng đồng.

Vũ Thu