Print

Đích đến là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”

Thứ Ba, 13 /04/2021 09:22

Điều 60 Luật BHXH nhằm bảo vệ NLĐ tham gia BHXH khi về già được hưởng lương hưu, BHYT…, nhưng do chưa hiểu rõ, nên số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng lên, đòi hỏi Chính phủ cần phải đánh giá đầy đủ việc thực hiện BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 93 của Quốc hội và đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi để Điều 60 “sống lại” theo đúng tinh thần Luật BHXH năm 2014. Tạp chí BHXH đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

* PV: Thưa ông, khi xây dựng Điều 60 Luật BHXH năm 2014, các nhà làm luật hướng đến tính nhân văn, bảo vệ NLĐ khi về già được hưởng lương hưu, BHYT và trợ cấp tử tuất nhằm bảo đảm an sinh xã hội như thế nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Trước hết, phải khẳng định rằng, chính sách BHXH bắt buộc của Việt Nam hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ; hỗ trợ khi NLĐ mất việc làm; đảm bảo cuộc sống ổn định sau khi hết tuổi lao động... Chính sách này được thiết kế khá toàn diện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của NLĐ. Điều 60 Luật BHXH năm 2014 không khuyến khích NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần, nhằm để cộng dồn thời gian đóng BHXH, giúp NLĐ sau này có đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng. Đây cũng là quan điểm của Quốc hội, Chính phủ mong muốn thực hiện được mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, và tiến tới BHXH toàn dân nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW, Kết luận số 63-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Nghị quyết số 21-NQ/TW và Điều 34 Hiến pháp năm 2013 là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận. Đặc biệt, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội…

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhận hoặc không nhận BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, không đơn giản chỉ là đáp ứng quyền của cá nhân NLĐ, mà đây là vấn đề mang tính hệ thống của chính sách xã hội. Nếu những NLĐ tham gia BHXH ở khu vực tư và dần dần là cả khu vực công đều đòi hỏi quyền được nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn tới phá vỡ hệ thống BHXH. Hệ quả tiêu cực của chính sách này là NLĐ ở khu vực tư sẽ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, không thể tích luỹ hưởng lương hưu. Quan trọng hơn, với cách thiết kế chính sách như vậy, sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội cho hàng triệu NLĐ khi về già không có lương hưu.

* Sau 6 năm thực hiện Luật BHXH và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 về chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ, số lao động nhận BHXH một lần ngày càng tăng, độ tuổi ngày càng trẻ. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Chúng ta phải thừa nhận thực tế, số người nhận BHXH một lần tăng đã ảnh hưởng lớn đến mở rộng diện bao phủ BHXH. Điều 60 Luật BHXH quy định các điều kiện hưởng BHXH một lần nhằm hạn chế NLĐ rút quỹ BH hưu trí khi đang có khả năng tham gia vào hệ thống BHXH. Nhưng NLĐ không hiểu rõ đã phản ứng dẫn đến một số công ty, DN đình công, buộc Quốc hội phải xem xét, ra Nghị quyết 93/2015 về thực hiện chính sách BHXH một lần.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện đến người dân

Sau khi Nghị quyết 93 có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người quyết định hưởng BHXH một lần. Sau đó tiếp tục tăng lên, năm 2018 có 880.000 người ra khỏi hệ thống BHXH vì hưởng BHXH một lần; năm 2019 trên 800.000 người và năm 2020, số người nhận BHXH một lần lại có xu hướng tăng nhanh, với hơn 897.000 người hưởng trợ cấp một lần (tăng 140.926 người so với năm 2015 là 756.074 người hưởng tương đương với tăng 18,6%). Trong khi đó, năm 2020, chỉ khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống. Điều này có nghĩa số người vào hệ thống BHXH và số người ra khỏi hệ thống gần như bằng nhau. Đây là điều rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước, dẫn đến hệ lụy không thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết 28.

* Việc số người hưởng BHXH một lần gia tăng như hiện nay sẽ gây ra những thách thức gì cho hệ thống an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng, thưa ông?

- Việc quy định NLĐ nhận BHXH một lần cho dù đã đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của họ trong những điều kiện nhất định. Song về lâu dài thì quy định hiện hành lại có những tác động tiêu cực đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt sẽ luôn là thách thức lớn để thực hiện mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 35%, năm 2025 là 45% và năm 2030 là 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra. Đây không chỉ là thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu gia tăng tỷ lệ bao phủ của BHXH mà còn là thách thức trong việc duy trì đối tượng của hệ thống BHXH và an sinh xã hội. Việc duy trì, phát triển đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH sẽ đảm bảo tốt hơn nguyên tắc chia sẻ rủi ro, san sẻ tài chính; nguyên tắc số đông bù số ít trong BHXH.

Đặc biệt, trong điều kiện già hóa dân số diễn ra nhanh chóng như hiện nay, thời gian được trợ cấp hưu trí có xu hướng kéo dài, NLĐ nhận BHXH một lần sẽ bị thiệt thòi hơn so với những người nhận trợ cấp lương hưu hằng tháng. Mặt khác, BHXH một lần còn tác động đến tâm lý của những người đang trong hệ thống BHXH, tâm lý này rất dễ lan tỏa và có thể trở thành xu hướng phổ biến nếu không có những giải pháp khắc phục…

* Chính phủ đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 93 để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung quy định BHXH một lần của Luật BHXH. Theo ông, chúng ta cần sửa đổi như thế nào để có được giải pháp tốt nhất cho cả NLĐ cũng như quỹ BHXH?

- Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định BHXH một lần. Việc nhận BHXH một lần không chỉ là vấn đề của cá nhân mỗi NLĐ mà đây là vấn đề chính sách, chính trị của giai cấp công nhân lao động. Việc quy định hạn chế hưởng BHXH một lần đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự không đồng thuận của một bộ phận NLĐ. Vì vậy, quan điểm của Chính phủ, Quốc hội là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.

Trong dài hạn sẽ thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể: Sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách BH thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.

* Trân trọng cảm ơn ông!

V.Thu (Thực hiện)