Print

Các tỉnh phía Nam: Lại “khát” lao động phổ thông

Chủ nhật, 25 /04/2021 18:41

Hàng ngàn DN ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân, chủ yếu là lao động phổ thông sau khi dịch COVID-19 tạm lắng. Tuy nhiên, việc tuyển lao động phổ thông thời điểm này được nhiều DN ví von như “hái sao trên trời”…

“Trải thảm” mời công nhân về làm việc

Bị chủ đầu tư KCN Bình Chiểu (TP.HCM) đòi lại mặt bằng nên phải dời nhà máy về KCN Tân Đông Hiệp (Bình Dương), Công ty Trường Lợi rơi vào hoàn cảnh rất khó tuyển lao động. Ông Đoàn Sỹ Lợi- Giám đốc Công ty Trường Lợi cho hay, nhiều công nhân cũ đã quen với cuộc sống ở TP.HCM nên quyết định không theo DN về Bình Dương, trong khi đó việc rao tuyển lao động mới tại Bình Dương vô cùng khó khăn. “Chúng tôi rao tuyển vài trăm công nhân đã hàng tháng qua, nhưng số lượng tuyển được rất ít”- ông Lợi chia sẻ.

Do mở rộng quy mô sản xuất, Công ty TNHH Virtue King Việt Nam (chuyên may ba lô, túi xách xuất khẩu tại KCN Sóng Thần 2- Bình Dương) có nhu cầu tuyển mới 2.000 công nhân. Thông tin tuyển dụng được công bố rộng rãi từ đầu tháng 12/2020. Cổng chính của Công ty nằm ở mặt tiền đường DT743 căng bảng thông báo tuyển dụng cỡ lớn với thông tin lương, thưởng hấp dẫn. Ngay chốt bảo vệ, khu vực tuyển dụng “dã chiến” được dựng lên từ cuối năm 2020, với 2 nhân viên phòng nhân sự luôn túc trực phụ trách tuyển dụng từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần; những ứng viên nào đạt yêu cầu sẽ đi làm vào ngay hôm sau. Tuy nhiên, đến nay, công ty này cũng chỉ mới tuyển được gần 1/3 so với nhu cầu. “Quy mô nhà xưởng là 3.000 người nhưng giờ chỉ có 1.800 người. Đầu năm là thời điểm công nhân “nhảy việc” mà kiếm người đã khó thì từ đây đến cuối năm càng khó hơn”- ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch Công đoàn Công ty Virtue King cho biết.

Hàng loạt DN ở Bình Dương cũng chung tình trạng này. Có thể kể đến như: Công ty TNHH Vision Internationa Việt Nam (chuyên sản xuất gậy đánh golf) cần tuyển gấp 1.500 công nhân; Công ty TNHH Showa Gloves cần tuyển 1.000 công nhân, với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng (chưa kể tăng ca) cùng các chế độ khác như thưởng tháng 13, hỗ trợ nhà trọ, BHXH, BHYT.

Chỉ cần “biết đọc, biết viết” là “tiêu chuẩn” tuyển dụng được Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) đưa ra trong bối cảnh hiện nay. Ông Đinh Sỹ Phúc- Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết, từ tháng 8/2020 đến nay, Công ty liên tục thông báo tuyển lao động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng chưa đủ. Trong khi đó, Công ty hiện đang có nhu cầu tuyển hơn 2.000 công nhân.

Tương tự, tại TP.HCM, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang có nhu cầu tuyển gần 3.000 công nhân, nhưng 4 tháng qua vẫn chưa tuyển đủ số lượng. Thông tin từ bộ phận nhân sự của Công ty cho hay, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, bộ phận tuyển dụng có liên lạc với những công nhân cũ để mời họ quay lại làm việc nhưng cũng không thu được nhiều kết quả.

Thông tin từ LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, trong quý I/2021, toàn tỉnh có hơn 600 DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 công nhân. Tại TP.HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực, năm 2021, Thành phố có hơn 300.000 vị trí việc làm cần tuyển người. Còn tại Đồng Nai, thống kê sơ bộ từ Sở LĐ-TB&XH cho thấy, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển khoảng 40.000 lao động.

Bài toán đang rất cần lời giải

“Tuyển công nhân bây giờ thực sự khó”- anh Phan Đình Trình- cán bộ nhân sự trực tiếp tuyển lao động của Công ty Virtue King (Bình Dương) lắc đầu ngao ngán. Nhiều năm làm nhiệm vụ tuyển dụng, theo anh Trình, gần đây DN ngày càng khó tìm lao động phổ thông. Chỉ cần nhìn qua các mẫu tuyển công nhân cũng dễ dàng nhận ra điều này. Nếu lúc trước, các thông tin tuyển dụng yêu cầu độ tuổi, không có hình xăm, tóc không nhuộm, chưa kết hôn… thì bây giờ các tiêu chí loại trừ này đã không còn xuất hiện, thay vào đó là lương, phúc lợi và BHXH, BHYT để thu hút công nhân.

Ông Đào Xuân Đức- Phó Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là do giờ đây NLĐ chọn DN, chứ không phải DN chọn NLĐ như trước.

Còn theo anh Nguyễn Minh Đức- cán bộ Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM, DN bây giờ tuyển lao động rất khó, thậm chí nhiều nơi phải thưởng tiền cho người môi giới từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng nếu tuyển được một công nhân. Tuy nhiên, những chính sách này cũng khó giúp DN cải thiện tình hình.

Mặc dù vậy, cũng có những DN tuyển dụng khá dễ. Bà Kiều Ngọc Hoa- phụ trách bộ phận nhân sự Công ty Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu CNC TP.HCM) cho hay, việc tuyển dụng tại DN này tương đối thuận lợi do danh tiếng và uy tín của Công ty.

Còn theo đại diện một DN chuyên tuyển dụng lao động ở TP.HCM, trước đây Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM là những địa phương có các KCN trọng điểm, thu hút lao động từ các địa phương khác đến; còn giờ đây các tỉnh, thành trong cả nước đều phát triển KCN nên nhiều NLĐ đã lựa chọn quay về quê tìm kiếm việc làm. Đơn cử: Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, hơn 300 công nhân của một DN về quê ăn Tết đã không quay trở lại, hỏi ra mới hay những người này ở lại quê để xin vào làm cho một DN gần nhà để tiết kiệm chi phí và an toàn hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay.

Có thể thấy, tình trạng “khát” lao động phổ thông còn do một bộ phận công nhân sau khi thất nghiệp đã không quay trở lại DN, mà chủ động gia nhập vào nhóm lao động phi chính thức như: Chạy xe ôm công nghệ, giao hàng, buôn bán nhỏ… Hiện đang có sự cạnh tranh nguồn lực lao động giữa các địa phương với nhau; cũng như giữa khối lao động chính thức và lao động phi chính thức; giữa DN mới đầu tư với các DN đã có thâm niên hoạt động lâu dài...

Theo các chuyên gia lao động, lương thưởng cao và đóng BHXH, BHYT đầy đủ vẫn là những yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút lao động, nhưng DN cũng không thể liên tục “đẩy” yếu tố này lên mãi, mà cần tính đến các giải pháp tuyển dụng lâu dài. Thời điểm này các yếu tố gia tăng như: Xây dựng nhà trọ, ký túc xá miễn phí cho công nhân; tạo điều kiện để công nhân đi học nâng cao trình độ… đang là nhu cầu mà nhiều người cần. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh cũng cần sớm vào cuộc nghiên cứu giải pháp đồng hành cùng các DN trước xu hướng ngày càng khan hiếm lao động phổ thông.

Phạm Thọ