Print

UNDP tiếp tục tìm kiếm các giải pháp sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa khu vực ASEAN

Thứ Sáu, 07 /05/2021 14:47

Tiếp nối cuộc thi "Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa- EPPIC" tại Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và đảo Samui (Thái Lan), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tiếp tục tìm kiếm các giải pháp sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Indonesia, Philippines trong năm 2021.

Cuộc thi EPPIC 2021 tập trung tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Mandalika, đảo Lombok (Indonesia) và đảo Samal (Philippines). Tất cả các cá nhân, tổ chức từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) hoặc từ bất kì các quốc gia nào khác trên toàn cầu nhưng trong nhóm có ít nhất một thành viên là công dân ASEAN, có khả năng giao tiếp và trình bày ý tưởng rõ ràng bằng tiếng Anh đều có thể tham gia cuộc thi. Thời gian dự thi là từ nay cho đến hết 23/5/2021. Dự kiến kết quả vòng sơ khảo sẽ được công bố vào tháng 6/ 2021. Bốn giải pháp thắng cuộc sẽ có cơ hội nhận được tổng cộng 72.000 USD để áp dụng các giải pháp của họ, và tham gia vào 9 tháng đào tạo tăng tốc, cũng như kết nối với các quỹ đầu tư và công ty phát triển lớn ở ASEAN.

Năm 2020, cuộc thi EPPIC được phát động vào vào tháng 6/2020 ở Vịnh Hạ Long nhân ngày Quốc tế Đại dương, đã thu hút 159 đội đến từ 6 nước ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore và Malaysia) đã tham gia thử thách này với một loạt giải pháp để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa bao gồm các sáng tạo cấp chính sách và cả cấp cộng đồng.

Theo ông Bjornar Hotvedt, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Na Uy tại Indonesia: Đông Nam Á hiện đang là điểm nóng của khủng hoảng về rác thải nhựa đại dương và vì thế, nhiều người cho rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể cải thiện tình hình này. Ông nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần hành động từ các chính phủ, cũng như cam kết và đóng góp từ người dân tại các quốc gia. Tôi tin rằng, với EPPIC, một dự án nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad), chúng ta có thể phát triển thêm nhiều giải pháp sáng tạo từ cộng đồng để giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa đại dương này”.

Thái An