Print

Giấy xác nhận “không tự phục vụ”: Cả bệnh nhân và cơ quan BHXH đều… khổ

Chủ nhật, 16 /05/2021 06:46

Câu chuyện phải có xác nhận “không tự phục vụ” của bác sĩ khi giải quyết chế độ BHXH một lần cho người bị ung thư, sau khi lên tiếng, Tạp chí BHXH đã nhận được nhiều quan tâm. Bởi quy định này khiến cả người bệnh lẫn cơ quan BHXH đều… “khổ”.

Từ lời đề nghị khẩn thiết của nhiều người bị ung thư, phóng viên Tạp chí BHXH đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hoành (59 tuổi, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) để tìm hiểu. Tiếp chúng tôi, ông Hoành thở khó nhọc, bởi vừa trải qua một trận dị ứng kéo dài 2 ngày.

Đầu năm ngoái, ông Hoành nhập viện do tràn dịch màng phổi. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ BV Chợ Rẫy chẩn đoán ông mắc ung thư máu giai đoạn 4. Phẫu thuật cùng với quá trình hóa xạ trị khiến ông sút 20 cân, nhiều bộ phận trong cơ thể bị ảnh hưởng, da lưng và cổ họng bị cháy, mất vị giác, ăn uống khó khăn... “Bác sĩ bảo bệnh của tôi cần thay tủy với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Số tiền đó quá lớn, nằm ngoài khả năng của gia đình”- ông Hoành nói và bày tỏ mong muốn nhận BHXH một lần để lấy tiền điều trị bệnh.

Tuy nhiên, đi khắp các BV mà không nơi nào chịu ký xác nhận “không tự phục vụ” cho ông. Ông Hoành bèn lấy biên bản giám định y khoa với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 91% để thay thế nhưng cũng không được. Do bức bách nên trước Tết Tân Sửu, ông đã có đơn cứu xét gửi BHXH Việt Nam.

Tương tự, chị H.C (48 tuổi, phường 10, quận 3, TP.HCM) muốn nhận BHXH một lần, nhưng cũng bị từ chối với lý do như trên. Chị C. phát hiện mắc ung thư vú năm 2014. Năm ngoái, sức khỏe suy giảm nên chị xin nghỉ việc. Thật oái oăm, cùng lúc đó, chồng chị cũng phát hiện mắc ung thư máu giai đoạn 3. Tính đến nay, tổng chi phí điều trị của vợ chồng chị đã tới hơn 700 triệu đồng. “Nếu được duyệt, tui sẽ nhận được khoảng 300 triệu đồng, đủ để trả các khoản nợ đã vay để chữa bệnh”- chị C. nói. Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án do BV Ung bướu cung cấp chưa thể hiện được tình trạng “không tự phục vụ” của chị.

Dẫn chứng thêm một số trường hợp, ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ: “Người bệnh cho rằng chúng tôi vô cảm khi đưa ra yêu cầu vô lý, dù chúng tôi đã giải thích rất rõ do Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu phải có giấy tờ này”. Đồng thời, ông Hà cho biết thêm, Điều 60 Luật BHXH đã quy định “NLĐ đang tham gia BHXH mắc ung thư, thuộc nhóm bệnh nguy hiểm đến tính mạng, sẽ được nhận BHXH một lần ngay khi nghỉ việc”. Tuy nhiên, Thông tư của Bộ Y tế lại yêu cầu người bệnh phải có xác nhận “không tự kiểm soát” hoặc “không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân…” mới được hưởng BHXH một lần. Theo ông Hà, quy định này làm người bệnh thiệt thòi và gây khó cho cơ quan BHXH. Vì vậy, Bộ Y tế cần bỏ điều kiện cần có xác nhận “không tự phục vụ” đối với người mắc ung thư, để phù hợp với Luật BHXH.

Dẫn điểm C Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014, Luật sư Nguyễn Giang Nam- Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, đối với 6 loại bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS), Luật BHXH cho phép NLĐ được hưởng BHXH một lần ngay, mà không cần thêm điều kiện nào khác. Chỉ có ý tiếp theo “những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế” thì Luật mới giao Bộ Y tế hướng dẫn. Tuy nhiên, ở đây, Bộ Y tế lại “gom” luôn cả 6 loại bệnh nguy hiểm vào Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT để yêu cầu NLĐ phải có thêm giấy xác nhận “không tự kiểm soát” hoặc “không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân…” mới được hưởng BHXH một lần là không phù hợp quy định của Luật.

Luật sư Nam cũng nhấn mạnh, khi chẳng may mắc bệnh ung thư, nhu cầu của người bệnh muốn lĩnh BHXH một lần để có khoản tiền lớn nhằm kịp thời chữa trị- là điều hoàn toàn chính đáng. Do đó, Bộ Y tế cần hướng dẫn theo hướng tạo điều kiện cho họ mới phù hợp cả y đức lẫn pháp luật. Còn hạn chế người hưởng BHXH một lần nên hướng đến những đối tượng trẻ khỏe, công nhân sau nghỉ việc tại các DN hoặc các trường hợp mua bán sổ BHXH…

Phạm Thọ