Print

Lương hưu- cần thiết với mỗi người

Chủ nhật, 16 /05/2021 15:48

Tích lũy để có lương hưu cần một quá trình dài nhưng là việc làm cần thiết với mỗi người. Trong thực tế, không ai làm giàu nhờ lương hưu, nhưng nếu không có khoản tiền này để ổn định cuộc sống, đến khi tuổi cao sức yếu sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc NLĐ đóng BHXH. Tại Việt Nam, nhiều người nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH và đây cũng là một trong những yêu cầu mà NLĐ đặt ra đối với nhà tuyển dụng.

Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận NLĐ vì nhiều lý do khác nhau đã tự rời khỏi hệ thống BHXH khi quyết định nhận BHXH một lần. Để rồi, rất nhiều người đã và đang phải trả giá vì sự lựa chọn vội vã của mình, khi tuổi già đến mà không có lương hưu hoặc ốm đau, bệnh tật nhưng không có thẻ BHYT để đi KCB.

Lương hưu được coi là “bảo bối” giúp người cao tuổi sống an vui

Trong 5 năm thực hiện Luật BHXH 2014, cả nước có tới hơn 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần, tương đương mỗi năm có 750.000 người rời khỏi hệ thống BHXH. Con số này cho thấy, cứ 2 người vào hệ thống BHXH, lại có 1 người ra khỏi hệ thống, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội. Thực tế này cũng gián tiếp tạo nên nguy cơ gây bất ổn cho xã hội, khi một bộ phận không nhỏ người cao tuổi, người bị TNLĐ, ốm đau… mất đi sự bảo vệ của hệ thống an sinh xã hội.

Cần phải thấy rằng, chúng ta có 30 đến 40 năm làm việc, với mục đích để ổn định cuộc sống trước mắt và tiết kiệm tài chính, chủ động tích lũy từ khi còn trẻ để an nhàn tuổi già. Mục đích của BHXH cũng chính là giúp người hết tuổi lao động có lương, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thế nhưng, với những người ở độ tuổi 35-40 xin nhận BHXH một lần, sau đó chi trả hết cho những thứ trước mắt thì về già sẽ sống như thế nào? Thu nhập vốn đã thấp, của để dành thậm chí chẳng có, không lẽ khi đã tuổi cao sức yếu họ vẫn phải tiếp tục lao động? Giả sử nếu lấy số tiền BHXH một lần để đầu tư sinh lời, thì liệu sau đó có đảm bảo an toàn, nhất là khi đồng tiền bị trượt giá. Giả sử nếu nhận BHXH một lần được 100 triệu đồng để gửi vào ngân hàng (nơi đảm bảo sẽ sinh lời), thì liệu số tiền đó sau nhiều năm có bù được trượt giá không?...

Giải bài toán này không khó, nếu mỗi người tìm hiểu kỹ về chính sách BHXH, để từ đó có quyết định sáng suốt bằng cách tích lũy thời gian tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đây là cách hiệu quả nhất giúp mỗi người không bị rơi vào tình cảnh khó khăn trong tương lai. Cũng cần phải nhấn mạnh, đóng BHXH là lo cho an sinh xã hội của chính mình. Đặc biệt, không ai làm giàu từ lương hưu, nhưng nếu không có khoản tiền này để ổn định cuộc sống, đến khi tuổi cao sức yếu sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguyệt Hà