Print

Nhớ về “Miền xanh thẳm”

Thứ Hai, 17 /05/2021 16:26

Nguyện một đời chỉ viết cho thiếu nhi những dòng văn học trong trẻo nhất, từ hình thức cho tới nội dung, dù là chuyện vui hay buồn- cố nhà văn Trần Hoài Dương đã để lại một kho tàng văn chương với nhiều tác phẩm ấn tượng, được nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi yêu thích.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8/11/1943, tại Hải Dương. Ông từng công tác tại Tạp chí Cộng Sản, Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn), NXB Măng Non, NXB Trẻ. Từ năm 1992, ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Ông đã ấn hành 24 tác phẩm, gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài… tại các NXB Kim Đồng, Hà Nội, Phụ nữ, Long An, Trẻ, Văn học… và giành được nhiều giải thưởng quý giá. Ngoài ra, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có 5 kịch bản được dựng thành phim.

 

Nhắc về cố nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trầm Hương bảo: Trong cuộc đời sáng tác, nhà văn Trần Hoài Dương viết rất nhiều tác phẩm như “Cuộc phiêu lưu của những con chữ”, “Nàng công chúa biển”, “Bên ngoài mái trường”… Trong đó, truyện dài “Miền xanh thẳm” là cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ bạn đọc về một không gian thơ ấu trong trẻo và ngọt lành. Không chỉ thế, tên mỗi truyện của ông đều viết khá ngắn gọn, dễ hiểu, để các em thiếu nhidễ tiếp cận như: “Em bé và bông hồng”, “Cây lá đỏ”, “Cô tiên”, “Bà cháu”, “Chiếc lá”, “Áng mây”, “Đàn chim sẻ”, “Con chim xanh”…

Quả thực, nhắc đến sự nghiệp sáng tác của Trần Hoài Dương, không thể không nhắc đến “Miền xanh thẳm”- cuốn hồi ký tự truyện về những năm tháng tuổi nhỏ của nhà văn, nhất là quãng thời gian là HS cấp 2, khi miền Bắc vừa giành được độc lập sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp- cuốn sách đã mang về cho tác giả giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Những trang viết dung dị và đằm thắm đã phác họa lên một tuổi thơ nhiều gian khó, phải sống tự lập từ nhỏ của một cậu bé xa gia đình, nhưng bù lại cậu có một môi trường thấm đẫm tình bạn, tình thầy trò trong sáng, thiêng liêng và cao quý. Tất nhiên, không thể thiếu những hoài bão, ước mơ của lớp học trò khi đó, luôn đầy hiện thực và tươi sáng. Với độc giả, cuốn sách quả là một “miền xanh thẳm” giúp thanh lọc, gạn chắt tâm hồn, giữ lại những gì cao quý, thiêng liêng và trong trẻo nhất, giữ lại những tình cảm tuyệt vời nhất.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, nhà văn Trần Hoài Dương rất giỏi khi tạo dựng nhân vật, đặc biệt là các nhân vật thiếu nhi giàu tình nhân ái và trong trẻo. Văn phong của ông đầy thương yêu, ít dữ dội, nhưng cứ thấm thía và mang một nỗi buồn rất lạ lùng. Khi còn sống,Trần Hoài Dương từng nói mục đích sáng tác của ông là nhằm “đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ”. Quan niệm đó đã theo ông trên suốt chặng đường dài sáng tác.

Cả đời ông chỉ viết cho thiếu nhi, mang đến những gì tuyệt vời nhất cho tuổi nhỏ. Nhưng độc giả yêu thích tác phẩm của ông thì chẳng riêng có trẻ nhỏ. Những trang viết đã chạm đến trái tim nhiều thế hệ. Nhà văn Võ Thu Hương kể: “Đã có một thời, tôi tỉ mẩn chép đến thuộc lòng những trang văn thật đẹp của ông trong một cuốn sổ dành riêng các trang văn thơ mà mình yêu thích. Điều tôi ấn tượng nhất ở những sáng tác của Trần Hoài Dương là thiên nhiên với những vẻ đẹp xinh, trong veo, đầy ân tình. Dưới ngòi bút của ông, từ cây nhút nhát, chiếc lá đỏ, đàn chim sẻ..., vạn vật đều được sống đời sống của mình, đều có linh hồn và rất gần với tâm hồn trẻ nhỏ. Tôi đã nhìn thấy chính tuổi thơ mình khi cùng đám bạn thường tha thẩn với cây, với hoa và những quả dại trên những lối mòn ven chân núi Quyết, ven khu thành cổ Vinh. Chúng tôi giống y bọn trẻ ấy, suốt những mùa Hè, những ngày cuối tuần rảnh rỗi lại dẫn nhau đi tìm dăm ba quả dại nhưng là những món quà quý của thiên nhiên”.

Minh Anh