Print

Chuyên gia Việt Nam giúp Lào ngăn chặn tái bùng phát dịch tại Champasak

Thứ Hai, 17 /05/2021 16:53

Trước nguy cơ dịch tái bùng phát tại tỉnh Champask (Lào), Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp để kịp thời đối phó với đại dịch Covid-19.

Theo TS. Vương Ánh Dương, có nhiều nguyên nhân có thể khiến dịch có thể tái bùng phát ở tỉnh Champasak. Thứ nhất, nguy cơ nhập khẩu qua biên giới. Hiện tỉnh Champasak có 2 cửa khẩu quốc tế có lượng người nhập cảnh đông (giáp Campuchia, giáp Thái Lan), trong khi đó, chỉ xét nghiệm 1 lần với những người nhập cảnh (cụ thể, với những người âm tính thì chỉ thực hiện 1 lần xét nghiệm, khả năng bỏ lọt khá cao).

Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Champasak

Song song với đó, nguy cơ xâm nhập từ các địa phương có dịch khác của Lào, trong đó, dịch tễ ca bệnh cộng đồng đầu tiên ghi nhận tại tỉnh có nguồn lây từ ca bệnh tại Viêng Chăn. Thời gian ca bệnh về tỉnh cùng lúc với Tết Lào là thời gian có lễ hội đã tạo điều kiện cho dịch lan rộng trên địa bàn. Nguy cơ có thể từ các ca bệnh cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu và cách ly đầy đủ. Theo đó, các ca bệnh tiếp xúc gần đã kịp lây cho người tiếp xúc gần là gia đình họ, trong khi số lượng ca truy vết và lấy mẫu xét nghiệm dựa trên người tự nguyện đến xét nghiệm; Khi có vụ dịch trong cộng đồng, thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm do số lượng mẫu vượt quá khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm. Do đó, các ca dương tính chưa được điều trị cách ly vẫn có thể làm lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do số lượng người cách ly đông và số ca dương tính ngày càng tăng từ người nhập cảnh. Do quy trình lấy mẫu và trả mẫu xét nghiệm thường chậm (ít nhất 1 ngày mới có kết quả xét nghiệm để trả) làm tăng nguy cơ lây lan trong khu cách ly trong khi chờ kết quả. Nguy cơ lây nhiễm từ người cách ly có thời gian ủ bệnh dài hơn 7 ngày. Quy trình xét nghiệm hiện nay xét nghiệm ngày thứ 7 có thể không phát hiện được các trường hợp có thời gian ủ bệnh dài hơn 7 ngày. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay có nhiều biến chủng SARS-CoV-2 có thể có thời gian ủ bệnh dài hơn 14 ngày.

Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị: việc sàng lọc người cơ nguy cơ cao chưa triệt để tại các BV; việc thực hiện giãn cách trong BV chưa nghiêm; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV một số nơi, một số kỹ thuật chưa phù hợp; chưa tiến hành xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho cán bộ y tế khi có dịch trong cộng đồng để xác định ca bệnh chỉ điểm từ cộng đồng tới BV.

Năng lực thu dung, quản lý điều trị chưa đủ đáp ứng khi dịch bùng phát và số lượng ca bệnh có tiến triển nặng tăng cao: nhân lực mỏng, mỗi ekip trực trong khu điều trị Covid-19 phải làm tới 1 tháng liên tục; năng lực chuyên môn về cấp cứu hồi sức (ví dụ: thở máy hạn chế số lượng máy thở ở cả 4 BV Đoàn tới chỉ có dưới 15 máy thở); thiếu phòng hồi sức cấp cứu tại các cơ sở điều trị Covid-19 cho bệnh nhân nhẹ; thiếu máy lọc máu hoặc có nhưng chưa biết sử dụng; danh mục thuốc chưa đủ chủng loại để điều trị hồi sức tích cực và bệnh nền… Năng lực xét nghiệm, số lượng máy xét nghiệm ít (có 2 máy xét nghiệm phục vụ cho tỉnh Champasak và 4 tỉnh xung quanh) và chỉ định xét nghiệm hạn chế, chưa chủ động phát hiện những ca bệnh chỉ điểm trong cộng đồng và trong BV.

Trước những nguy cơ và thách thức hiện hữu, để tăng cường sự an toàn đối với tỉnh cho toàn tỉnh Champasak trước đại dịch Covid-19 trước và sau khi mở cửa trở lại, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp để kịp thời đối phó với đại dịch Covid-19. Về công tác giám sát dịch tễ, Đoàn đề xuất địa phương cần tăng cường công tác điều tra truy vết thông qua tăng cường nhân lực và tập huấn cho các cán bộ đáp ứng nhanh RRT các cấp tỉnh đến huyện xã; Xây dựng kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 đặc biệt trong bối cảnh có nhiều biến chủng vi rút Covid-19 tăng khả năng lây lan và tăng nặng trên thế giới.

Đối với công tác xét nghiệm cần tăng cường năng lực và công suất xét nghiệm của tỉnh. Trang bị thêm máy chiết tách tự động để nâng cao công suất của máy xét nghiệm Realtime-PCR; Xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho nhân viên phòng chống dịch, cán bộ y tế các cơ sở điều trị Covid-19 và các cơ sở y tế khác; Bổ sung chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân để đảm bảo tiêu chuẩn ra viện 2 lần xét nghiệm âm tính cách nhau 3 ngày; Mở rộng các đối tượng được xét nghiệm khi có ca bệnh trong cộng đồng…

Về năng lực thu dung, quản lý điều trị ca bệnh: Tại các BV giao chức năng điều trị bệnh nhân vừa và nhẹ; cần bổ sung máy X-Quang di động; mỗi phòng bệnh ít nhất 1 máy đo SPO2. Trang bị một phòng cấp cứu, hồi sức cơ bản với máy monitor; bình ô xy, dụng cụ cấp cứu hồi sức tim mạch, hô hấp, nội khí quản và thuốc cấp cứu. Bổ sung các thuốc điều trị hồi sức cấp cứu cơ bản như adrenaline, noradrenaline, thuốc điều trị các bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường… Tại các BV giao chức năng điều trị ca bệnh nặng, cấp cứu ngoại khoa: Tăng cường năng lực cho nhân viên y tế, trong đó tăng cường huấn luyện thực hiện các kỹ thuật điều trị chuyên sâu như đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết động, lọc máu liên tục, ECMO; bổ sung bác sỹ chuyên khoa ngoại lồng ngực và tim mạch...

Quang Hùng