Print

Cần phải truyền cảm hứng cho người dân cùng vào cuộc trong phòng chống dịch bệnh

Thứ Hai, 17 /05/2021 23:05

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta cần huy động các nền tảng khác nhau cho công tác tuyên truyền; tăng cường phân tích, đánh giá, nêu những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm, tấm gương tốt... để truyền cảm hứng cho người dân cùng vào cuộc trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Chiều 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19. Nhấn mạnh đến giờ này, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình, chưa phát hiện ổ dịch mới không rõ nguồn lây; song Thủ tướng cũng cho rằng, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát vẫn rất cao.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ ngày 27/4 đến 12h ngày 17/5, chúng ta đã ghi nhận 1.204 ca nhiễm trong nước. Tại Bắc Ninh, hiện đã ghi nhận 241 ca nhiễm tập trung tại chùm ca bệnh tại Thuận Thành và các ổ dịch cũ đã được quản lý, cách ly; đồng thời đã ghi nhận một số ca bệnh trong KCN. Tại Bắc Giang cũng đang diễn biến phức tạp khi ghi nhận 368 ca bệnh, trong đó có các chùm ca bệnh trong KCN của tỉnh.

“Cho đến thời điểm hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép không thay đổi. Các khu vực nhà máy, DN, cơ sở sản xuất nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch phải kiên quyết dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong. Chính quyền địa phương, các sở ngành phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo đảm sản xuất phải an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương giãn cách xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh, chứ không phải thực hiện tràn lan…”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, với các biện pháp đã triển khai sẽ không để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Bộ Y tế đã có hướng dẫn, kịch bản rất chi tiết trong các tình huống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tối đa cho cuộc bầu cử. Về việc kết thúc năm học 2020-2021, những địa phương không có dịch thì có thể thực hiện như bình thường, các địa phương có dịch cũng phải phân loại rõ nguy cơ…

Tại cuộc họp, đại diện một số bộ đã có ý kiến về các vấn đề liên quan việc mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19; việc điều động nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm; việc tăng cường lực lượng ngăn chặn kịp thời hàng nghìn trường hợp nhập cảnh trái phép…

Bên cạnh đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch lần này, lãnh đạo các bộ cũng cho rằng, cần tăng cường tổng kết, nhân rộng các mô hình, cách làm hay. Theo đó, sẽ tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, bên cạnh phòng chống dịch, các bộ cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đáng chú ý, Bộ KH-ĐT đã yêu cầu BQL các KCN tại các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như các DN thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo của chính quyền địa phương về phòng chống dịch và duy trì tốt việc sản xuất kinh doanh…

Sau khi nghe các bộ báo cáo tình hình và ý kiến các Phó Thủ tướng, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong đợt dịch lần này, chủng virus mới lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch xảy ra ở nhiều địa phương, tập trung vào một số ổ dịch, tại nhiều KCN như ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Đặc biệt, dịch bệnh xảy ra trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và kết thúc năm học…

Cũng theo Thủ tướng, đợt dịch có mầm bệnh xuất phát từ bên ngoài, cho thấy những sơ hở trong kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cách ly và sau cách ly. Cùng với đó là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị cho “4 tại chỗ” chưa đầy đủ, nên khi dịch bệnh xảy ra gặp lúng túng, thiếu vật tư, sinh phẩm, nhân lực…

Nhận định công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua luôn đảm bảo đồng bộ, kịp thời, quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã dự báo trước được tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Do đó, từ giữa tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, các cơ quan đã nắm chắc, bám sát và đánh giá đúng tình hình để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đúng. “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản là tốt, phù hợp, đồng bộ, kịp thời, quyết liệt, bám sát tình hình, đúng hướng, không chủ quan, có khen có chê, phân công, phân cấp rõ ràng”- Thủ tướng nói; đồng thời đánh giá cao “nhiều cá nhân rất thông minh, sáng tạo trong tổ chức thực hiện” và đã có nhiều cách làm hay, rất đáng tổng kết, nhân rộng, đặc biệt là mô hình “3 lớp” tại Đông Anh (Hà Nội).

Nhấn mạnh sự vào cuộc của nhân dân có ý nghĩa chiến lược, quyết định với công tác phòng chống dịch, Thủ tướng lưu ý, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần được phát huy mạnh mẽ, nơi không có dịch giúp nơi có dịch, người ngoài vùng cách ly giúp người trong vùng cách ly, hình thành các tổ Covid cộng đồng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cần được thực hiện tương đối kịp thời, đa dạng, phong phú hơn nữa.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng cả nước vẫn đang thực hiện tốt “mục tiêu kép”, khi tăng trưởng quý I/2021 vẫn giữ được đà phát triển tích cực, thu ngân sách tới ngày 16/5 đạt gần 50% dự toán kế hoạch năm. Công tác chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp theo đúng quy định pháp luật và diễn ra suôn sẻ tới giờ này. Việc kết thúc năm học 2020-2021 cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại…

Dự báo tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp, diễn biến nhanh, khó lường, Thủ tướng yêu cầu công tác dự báo cần phải được làm tốt hơn nữa, tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, thần tốc hơn nữa và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Đồng thời, lưu ý về các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới. Theo đó, phải tiếp tục quán triệt mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong phòng chống dịch, đó là thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; bảo đảm an toàn, kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021; đặt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân lên trên hết.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở tất cả các khâu, tuyệt đối không được vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Kế thừa, tổng kết, nhân rộng các kinh nghiệm quý, bài học hay, các cách làm có hiệu quả của các đợt dịch trước và của thế giới. Tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công.

Tiếp tục phân công, phân cấp, thực hiện “4 tại chỗ”. Trung ương lo quản lý vĩ mô, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, lo tài chính tổng thể, các cân đối lớn. Các địa phương thực hiện “4 tại chỗ” theo các hướng dẫn, quy định đã có. Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn bản phải lo cho thôn bản, mỗi người tự lo cho mình, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Toàn hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp kêu gọi sự cộng tác, hưởng ứng của người dân, thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng chống dịch. Đặc biệt, yêu cầu phải rút kinh nghiệm và có kịch bản phòng chống dịch bệnh trong các KCN; xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi sự đóng góp của người dân, DN trong việc mua trang thiết bị, VTYT, vắc-xin… để vừa phòng ngừa, vừa chuẩn bị tiêm vắc-xin trên diện rộng.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần tập trung cao nhất cho mục tiêu số một hiện nay là phòng chống dịch bệnh, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Huy động các nền tảng khác nhau cho công tác tuyên truyền; tăng cường phân tích, đánh giá, nêu những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm, tấm gương tốt... để truyền cảm hứng cho người dân cùng vào cuộc trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Riêng đối với vấn đề giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu, các quy định, chỉ thị, hướng dẫn đã có, các địa phương cần bám sát tình hình, phân tích, đánh giá, vận dụng một cách linh hoạt, chủ động, sáng tạo để đưa ra quyết định phù hợp, hiệu quả, với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết. “Giãn cách xã hội là biện pháp nhẹ nhàng nhất cho người chống dịch, nhưng lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân. Sự linh hoạt, giỏi giang của người đứng đầu, của cấp ủy, chính quyền các cấp là xử lý hài hòa, hợp lý, đánh giá đúng tình hình, xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả và giải thích cho người dân hiểu rõ”- Thủ tướng nhấn mạnh.

PV