Print

Hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần: Vì tương lai của chính NLĐ

Thứ Ba, 18 /05/2021 19:28

Việc NLĐ “gặt lúa non” khi quyết định nhận BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH mà còn khiến chính bản thân NLĐ mất cơ hội hưởng lương hưu, không có nguồn tài chính bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già.

Nhận BHXH một lần- thiệt đủ đường

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 2.400 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong tháng 3/2021, số người làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng 70% so với tháng 2/2021. Trong số đó, đa số NLĐ đều từ 35- 40 tuổi, chủ yếu làm việc tại các DN dệt may, da giày, du lịch, nhà hàng, khách sạn…

Khuyến khích NLĐ tham gia tiếp BHXH tự nguyện và tìm kiếm cơ hội việc làm mới

Chị Nguyễn Thị Kim (phường Phước Vĩnh, TP.Huế) trước đây làm công nhân cho một DN sản xuất nhựa và đã nhận “một cục” được 25 triệu đồng. Có tiền trong tay, chị Kim lập tức mua cho con chiếc xe máy cũ đi làm, sửa chữa tường rào và sắm thêm ít đồ dùng. Bao công sức bỏ ra trong những năm tháng thanh xuân để mong tích cóp lúc về già bỗng chốc bay vèo. Giờ đây, chị Kim tiếc lắm, bảo “giá như biết tính toán thì đã không đến nỗi”.

Năm 2001, xưởng sản xuất bị giải thể, ông Dương Văn Diên (TP.Huế) phải nghỉ việc khi mới 35 tuổi và có 14 năm tham gia BHXH. Thời điểm đó, ông Diên tính toán nếu hưởng BHXH một lần, sau đó đi làm và bắt đầu đóng BHXH từ đầu thì khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn có đủ 25 năm đóng để hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Với suy nghĩ đó, ông quyết định nhận BHXH một lần. Số tiền đó được ông dùng để trả một phần nợ do xây nhà trước đó. Tiếp đó, ông xin làm công nhân tại một công ty gia công cơ khí và tiếp tục tham gia BHXH như dự tính ban đầu.

Song “người tính không bằng trời tính”, khi mới tham gia BHXH lại được 9 năm, ông Diên bị TNLĐ, 2 bàn tay bị dập và mất khả năng lao động. Hiện gia đình ông chủ yếu sống dựa vào quầy tạp hóa nhỏ của vợ nên cuộc sống khá cơ cực. “Một số đồng nghiệp cùng xưởng với tôi ngày xưa không nhận BHXH một lần, nay có lương hưu nên cuộc sống khá ổn. Tôi cũng đã liên hệ cơ quan BHXH xin nộp lại số tiền BHXH một lần và gộp với thời gian đóng tiếp để hưởng lương hưu, nhưng Luật BHXH không có quy định này”- ông Diên rầu rĩ.

Trước thực tế nhiều NLĐ tự đánh mất an sinh tuổi già của mình qua việc nhận BHXH một lần, ông Mai Đức Chính- nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cảnh báo: Nếu tiếp tục “buông” để NLĐ tự do rút tiền BHXH một lần thì về lâu dài sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Bởi khi có tiền, NLĐ sẵn sàng chi tiêu vào những việc trước mắt, đến khi về già sẽ không có khoản dự phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Đến lúc đó, gánh nặng cho ngân sách và cho quỹ BHXH là rất nặng nề. Số NLĐ nhận BHXH một lần càng lớn thì sau này Nhà nước càng phải chi trợ cấp xã hội nhiều. Do đó, theo ông Chính, nên kéo dài thời gian nghỉ việc hưởng BHXH một lần hoặc quy định NLĐ có điều kiện thực sự khó khăn mới được hưởng trợ cấp BHXH một lần thay vì cào đều như hiện nay.

Để mọi NLĐ đều được hưởng lương hưu

Ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, không phải đến bây giờ, mà từ năm 2006 hay đến năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã nhìn thấy những bất cập, mất cân đối trong thực hiện chính sách BHXH liên quan đến lương hưu nên đã kiến nghị sửa đổi Luật để hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, do tuyên truyền, giải thích chưa rõ, nên khi Luật BHXH 2014 có Điều 60 để hạn chế hưởng BHXH một lần đã bị phản ứng, khiến Quốc hội phải có Nghị quyết dừng thi hành Điều 60. “Tôi hy vọng Luật BHXH sửa đổi lần này sẽ có những giải pháp, có những đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”- ông Huân nhấn mạnh.

Một trong những thay đổi được nhiều người quan tâm, theo Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, đó là sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm như hiện nay xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi và có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Về đề xuất này, theo ông Mai Đức Chính, với số lượng chỉ khoảng 1/3 số NLĐ tham gia BHXH; số còn lại thuộc khu vực phi chính thức, lao động tự do chưa tham gia BHXH có thể xem là một mối lo. Cụ thể: Số người không tham gia BHXH khi về già không có lương hưu sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội. Do đó, điều cần hướng tới là làm sao để NLĐ không nhận BHXH một lần mà quyết định duy trì thời gian đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu. Để làm được điều này, một mặt phải tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của lương hưu- không chỉ ở khoản lương hằng tháng, mà kèm theo đó còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức chi trả chi phí KCB cao.

Vì thế, ông Chính cho rằng, quy định để NLĐ có thêm cơ hội có lương hưu bằng cách giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu là điều hợp lý, qua đó góp phần khuyến khích NLĐ tham gia theo hướng bền vững. “Đây là điều hoàn toàn hợp lý, giúp NLĐ có thêm động lực tham gia BHXH đủ số năm để hưởng lương hưu. 20 năm đóng BHXH như quy định hiện nay quá dài, khiến NLĐ có tâm lý rằng họ không thể nào làm việc đủ 20 năm và có xu hướng rút trợ cấp BHXH một lần mỗi khi chuyển việc”- ông Chính chia sẻ.

Theo Luật sư Đặng Anh Đức- Đoàn Luật sư Hà Nội, về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo hướng quy định chặt chẽ hơn điều kiện hưởng BHXH một lần. Đồng thời, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu.

Vũ Thu