Print

Phim tài liệu về “Đại thi hào Nguyễn Du” đã hoàn thiện

Thứ Hai, 14 /06/2021 10:16

Bộ phim tài liệu văn hóa- lịch sử “Đại thi hào Nguyễn Du” đã hoàn tất sau 2 năm và được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến.

Phim do Công ty CP Không gian văn hóa Việt Media sản xuất với sự đồng hành của nhóm tác giả: Phạm Xuân Mừng, Lương Xuân Trường, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức.

“Đại thi hào Nguyễn Du” là bộ phim tài liệu nghệ thuật có yếu tố ngoại truyện về thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của tác giả văn thơ lỗi lạc Nguyễn Du. Phim được thực hiện từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa lên tới 15 tỷ đồng. Nhà sản xuất kì vọng, qua bộ phim sẽ truyền tải cái nhìn sâu rộng, đa chiều về một con người có phẩm cách và tài năng xuất chúng, được sinh ra trong môi trường giáo dục truyền thống, kế thừa tinh hoa văn hóa của gia đình cùng triết lý, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Ý tưởng sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” xuất phát từ cuộc gặp gỡ với ông Hồ Bách Khoa- Trưởng Ban quản lý khu du tích Nguyễn Du tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh cách đây gần 4 năm. Khi ấy, ông Khoa có gợi ý làm một bộ phim về cuộc đời cũng như sự nghiệp của Nguyễn Du nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào dân tộc này.

Phim gồm 3 phần, mỗi phần có thời lượng 180 phút. Cụ thể 3 phần phim gồm: “Gia thế và tuổi thơ”, “Phong trần và thơ ca”, “Truyện Kiều và lan tỏa”. Những thước phim sẽ bắt đầu từ khi đại thi hào Nguyễn Du sinh ra ở phường Bích Câu (Thăng Long) vào năm 1765 cho đến khi ông trở thành quan giữ chức Hữu Tham tri Bộ Lễ dưới thời vua Gia Long và sau cùng mất tại Huế vào năm 1820.

Trong phần 1, khán giả sẽ được nghe kể lại câu chuyện về cậu bé Nguyễn Du sinh ra trong một đại gia đình quý tộc, có bố là tể tướng Nguyễn Nghiêm, mẹ là bà Trần Thị Tần tài sắc nổi tiếng và hát quan họ rất hay. Từ tấm bé, cậu bé đã sớm được học hành, giáo dục theo nhãn quan, nhận thức của giới phong lưu, thượng tầng trong xã hội. Không chỉ vậy, ông còn được cho về quê để tận mắt chứng kiến và cảm nhận đời sống dân dã ở nông thôn. Có lẽ cũng nhờ vậy mà sau nay trong các tác phẩm của ông, người ta cảm nhận được cả nét không gian văn hóa của chốn kinh kỳ Thăng Long xưa, nét đẹp của văn hóa cung đình và cả những chất liệu văn hóa truyền thống dân gian, đời sống làng quê…

Khi mới tròn 6 tuổi, Nguyễn Du đã được Viện quận công Hoàng Ngũ Phúc trao cho thanh bảo kiếm- một nghi lễ khích lệ dũng khí cho các bậc đại trượng phu tương lai hay còn gọi là hạt giống nhân tài quốc gia. Cũng trong năm đó, Nguyễn Du được theo học chữ Hán, đọc sách thánh hiền. Biến cố xảy đến với cuộc đời của vị đại thi hào dân tộc bắt đầu từ năm ông 11 tuổi, khi rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, gia đình lâm vào cảnh suy tàn do những chính biến lịch sử. Kể từ đó, ông được gửi về Thái Bình ở cùng gia đình một người bạn của anh trai.

Thông qua những thước phim chân thực và giá trị, khán giả có thể phần nào thấy được vai trò lớn lao của những người phụ nữ trong đại gia đình Nguyễn Du, từ bà ngoại Đặng Thị Dương đến mẹ ruột Trần Thị Tần. Bên cạnh đó, phim cũng khai thác khía cạnh văn hóa trong dòng họ Nguyễn với đạo tích thiện, bản tính thiện lành làm nên hồn cốt văn chương của Nguyễn Du sau này. Mặc dù được thể hiện dưới hình thức phim tài liệu song “Đại thi hào Nguyễn Du” hứa hẹn gây ấn tượng với cách kể, cách chuyển tải sinh động và đầy màu sắc. Qua đó mang lại cho người xem bức chân dung giản dị, mộc mạc, rất đỗi đời thường về một danh nhân văn hóa đã có những cống hiến, đóng góp to lớn với nền văn học Việt Nam .

Theo kế hoạch, 3 phần phim sẽ ra mắt khán giả vào tháng 7/2021, sau đó tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII diễn ra từ ngày 12 đến 16/9/2021 tại TP.Huế.

Minh Anh