Print

Ý nghĩa của giáo dục trong cuộc chiến chống đói nghèo tại Trung Quốc

Thứ Hai, 14 /06/2021 13:37

Cách đây 1.500 năm, Lão Tử từng nói: “Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên”. Một trong những bước đầu tiên và cơ bản để xóa đói giảm nghèo cùng cực mà Trung Quốc xác định, đó chính là giáo dục. Xóa đói giảm nghèo cùng cực cũng là mục tiêu mà Trung Quốc đã đạt được vào năm 2020 vừa qua.

Trường Tiểu học Dương Gia Lĩnh Phúc Châu Hi Vọng (Yangjialing Fuzhou Hope) nằm ở Diên An (Thiểm Tây, Trung Quốc) là một trong những ngôi trường được nâng cấp sửa chữa nhờ nguồn đóng góp của TP.Phúc Châu- thủ phủ của Phúc Kiến vào năm 1995. Nhấn mạnh việc "đừng để trẻ em thua ở vạch xuất phát", Trung Quốc coi giáo dục là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển của các khu vực đói nghèo. Nhờ vậy, trước đây, từng có thời điểm Trường Tiểu học Dương Gia Lĩnh Phúc Châu Hi Vọng chỉ có một giáo viên và một phòng học trong hang, thì giờ đã có những thay đổi nhanh chóng với sự hỗ trợ của Chính phủ và xã hội. Hiện trường có một tòa nhà 4 tầng, được trang bị phòng học đa phương tiện hiện đại và học sinh được cung cấp bữa trưa miễn phí tại trường.

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE) cho thấy, năm 2020, tổng đầu tư vào giáo dục, bao gồm miễn phí bữa trưa và cải thiện cơ sở vật chất trường học đã tăng hơn 8% hằng năm trong 3 năm trước đó. Còn theo Sách Trắng về xóa đói giảm nghèo (ban hành vào tháng 4/2021 vừa qua), Trung Quốc đã tu sửa 108.000 trường học để tăng cường áp dụng chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm ở các vùng nghèo kể từ năm 2013.

“Bình đẳng giáo dục là cơ sở tạo nên bình đẳng xã hội”, đây có thể nói là tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách về nguồn lực và chất lượng giáo dục giữa khu vực nông thôn - thành thị. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), ngân sách Trung ương Trung Quốc đã phân bổ khoảng 749,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 114,6 tỷ USD) hỗ trợ chính sách giáo dục bắt buộc và 90% quỹ được đầu tư cho khu vực nông thôn (học sinh thuộc hộ gia đình nghèo ở nông thôn được Chính phủ hỗ trợ sinh hoạt phí để học tập). Tất cả trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo ở nông thôn cũng được theo học chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm và tỷ lệ hoàn thành chương trình năm 2020 là 94,8%.

Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, Trung Quốc chuyển mình sang số hóa giáo dục, từ đó, cơ sở hạ tầng internet cũng đã thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục thành thị- nông thôn. Đến nay, 100% trường Tiểu học và THCS trên khắp cả nước đều có kết nối internet. Học sinh tại vùng sâu, vùng xa- như Trường Tiểu học Dương Gia Lĩnh Phúc Châu Hi Vọng chẳng hạn, đều có thể trải nghiệm "lớp học internet", tiếp thu kiến thức chia sẻ từ các trường liên kết tại các thành thị lớn. Đặc biệt, các chính sách ưu tiên được áp dụng để thu hút nhiều học sinh nghèo học lên Đại học, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và giúp sinh viên thoát nghèo thông qua hình thức giáo dục nghề nghiệp. Kết quả là đã có hơn 8 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, THPT thuộc hộ gia đình nghèo được học nghề; 5,14 triệu học sinh nghèo được học Đại học; các cơ sở đào tạo Đại học trọng điểm đã tiếp nhận khoảng 700.000 học sinh đến từ các vùng nông thôn, vùng nghèo.

Tùng Anh (Theo CGTN)