Print

Các quốc gia "tung" gói hỗ trợ nhằm phục hồi kinh tế

Thứ Ba, 15 /06/2021 16:58

Nhằm phục hồi nền kinh tế sau "làn sóng" đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã có nhiều giải pháp tiếp tục hỗ trợ nhằm vượt qua sự tàn phá của đại dịch.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế mỗi nước bằng các gói kích thích tài khóa sau sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

G7 cam kết điều phối các biện pháp và làm mọi việc cần thiết, trong đó có tất cả các công cụ tài chính như biện pháp tài chính và tiền tệ để nền kinh tế của các quốc gia thành viên tăng trưởng mạnh mẽ và được bảo vệ trước những rủi ro. Đồng thời cũng cam kết góp sức vào các biện pháp bảo vệ sức khỏe con người như ủng hộ các nỗ lực nhanh chóng phát triển vaccine và tăng cường thiết bị y tế tại những nơi có nhu cầu cao nhất.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các đồng minh của mình tiếp tục chi tiêu mạnh tay, với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 2 năm nay đã kêu gọi các thành viên G7 "hãy chơi lớn".

Ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2011-2019, cho biết các nền kinh tế lớn của phương Tây cần có một số "mỏ neo tài khóa dài hạn" để trấn an các nhà đầu tư và tránh việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.

Trên website của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva- Tổng Giám đốc tuyên bố, thể chế kinh tế này sẵn sàng huy động toàn bộ năng lực cho vay 1.000 tỷ USD để giúp các nước thành viên giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà đồng thời kêu gọi các chính phủ trên thế giới phối hợp đưa ra giải pháp mạnh mẽ kích thích nền kinh tế nhằm hạn chế những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục thực các chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến thời điểm thích hợp để bảo đảm kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Theo các quan chức Hàn Quốc, thị trường tài chính có thể sẽ biến động mạnh hơn khi lạm phát tăng trở lại và điều này buộc các ngân hàng Trung ương trên thế giới phải rút lại các biện pháp kích thích tài chính áp dụng thời đại dịch. Tuy nhiên, thời điểm bình thường hóa chính sách tiền tệ của Hàn Quốc sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, tình hình dịch COVID-19 và rủi ro mất cân bằng tài chính.

Chính phủ Malaysia cũng tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động bởi đại dịch, gói mới nhất là PEMERKASA Plus trị giá 97 triệu USD. Trong khi đó, Jordan khởi động một chương trình thúc đẩy du lịch trong nước với tổng trị giá 9 triệu USD nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp đóng góp 13% GDP cả nước.

Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch chi 225 tỷ Bạt (7,2 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho nhóm đối tượng thu nhập thấp bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Nội các Thái Lan thông qua hai chương trình bao gồm cung cấp tiền mặt kéo dài thêm 1 tháng với tổng ngân sách 85,5 tỷ bạt; 140 tỷ bạt cho các chủ thẻ phúc lợi xã hội và nhóm đặc biệt khác nhằm kích thích tiêu dùng nội địa. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục để phục hồi nền kinh tế trước diễn biến việc tiến hành tiêm vắc-xin rộng rãi và du lịch chưa có chuyển biến tích cực. Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha cho biết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp giai đoạn hai sau khi dịch bùng phát được kiềm chế trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 với kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho 51 triệu người và đem lại 473 tỷ Bạt cho nền kinh tế.

Ủy ban thiết lập chính sách tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã giữ lãi suất không đổi ở mức thấp kỷ lục trong hơn một năm để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng sau khi cắt giảm 115 điểm cơ bản trong năm 2020. Bên cạnh đó, RBI dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1/4/2021 ở mức 9,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 10,5% đưa ra trước đó.

Với cuộc sống của người dân nhiều quốc gia đang dần trở lại bình thường, bức tranh kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, phục hồi với tốc độ nhanh nhất trong vòng 80 năm qua.

T.Hà