Print

Cần chủ động tư vấn cho NLĐ thất nghiệp

Thứ Năm, 17 /06/2021 09:29

Phần lớn những NLĐ mất việc làm nếu không tìm được việc làm mới, rất dễ nghĩ đến nhận BHXH một lần. Vì vậy, kết nối cung- cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn bảo lưu hay tiếp tục đóng BHXH tự nguyện… là những cách làm giúp NLĐ không phải nhận BHXH một lần, tăng diện bao phủ BHXH và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu năm 2020, công ty lữ hành du lịch ở huyện Mộc Châu (Sơn La) nơi chị Nguyễn Thị Nga từng làm việc đã phải thu hẹp hoạt động, cho NLĐ tạm nghỉ việc, chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Sau đó, chị Nga đến Trung tâm DVVL làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Khoản TCTN này tuy chỉ đủ chi tiêu cho những sinh hoạt tối thiểu, nhưng nó như chiếc phao cứu sinh cho gia đình chị Nga trong quãng thời gian không việc làm, không thu nhập.

Tư vấn cho NLĐ thất nghiệp về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH

Do cuộc sống khó khăn, chị Nga đã nhiều lần định đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận BHXH một lần. Thế nhưng, khi nghe cán bộ BHXH phân tích thiệt hơn, chị Nga hiểu ra và đã quyết định bảo lưu quá trình đóng BHXH hơn 10 năm của mình, rồi xin tham gia học nghề ở Trung tâm DVVL. Thời cơ cũng đến, chị Nga may mắn tìm được việc làm mới phù hợp, nên tiếp tục đóng BHXH bắt buộc. Giờ nghĩ lại, chị Nga thấy mình thật may mắn, bởi nếu không có người tư vấn “đúng điểm rơi”, chắc chị đã tặc lưỡi nhận BHXH một lần rồi.

Là đồng nghiệp với chị Nga tại công ty lữ hành du lịch, sau khi chấm dứt HĐLĐ, chị Đỗ Ngọc Liên cũng tìm đến Trung tâm DVVL làm thủ tục nhận TCTN, rồi đề nghị cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần. Số tiền BHXH một lần nhận được chẳng mấy chốc tiêu tan. Giờ thấy bạn mình vượt qua được thời điểm khó khăn, đóng tiếp BHXH với cơ hội hưởng lương hưu trong tầm tay, chị Liên lại hối tiếc…

Theo Trung tâm DVVL tỉnh Sơn La, năm 2020 và quý I/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số NLĐ thất nghiệp tăng so với cùng kỳ. Năm 2020 cả tỉnh có 3.254 người hưởng TCTN; còn riêng quý I/2021 đã có 1.289 người hưởng TCTN. Tỷ lệ NLĐ thất nghiệp chủ yếu là con em người địa phương thuộc dân tộc Thái (chiếm 47%), dân tộc Kinh (chiếm 28%), dân tộc Mường (chiếm 19%), còn lại là các dân tộc Dao, Nùng, Tày... Đáng chú ý, có đến 92% NLĐ thất nghiệp do hết hạn HĐLĐ hoặc bị chấm dứt HĐLĐ trước hạn. Do đó, Trung tâm DVVL tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh thông tin, tuyên tuyền, tư vấn giúp NLĐ thất nghiệp tìm ra lối thoát, khuyến khích NLĐ tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và không phải nhận BHXH một lần.

Theo ông Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, khi bị mất việc, cuộc sống của NLĐ rơi vào tình trạng hẫng hụt và trở nên rất khó khăn. Khi đó, khoản TCTN được xem là phao cứu sinh, giải quyết khó khăn tài chính, bù đắp một phần thu nhập của NLĐ. Đồng thời, quỹ BH thất nghiệp còn hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm. Bởi vậy, khi bị thất nghiệp, NLĐ rất cần được tư vấn, định hướng càng sớm, càng tốt. Thời điểm tư vấn hiệu quả là ngay khi NLĐ đến Trung tâm DVVL nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp.

Ngoài ra, ông Ngãi còn cho biết, bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH cũng là nơi tư vấn giúp cho NLĐ hiểu đầy đủ về chính sách. Theo đó, cán bộ tại đây cần chỉ cho NLĐ thấy rằng có nhiều lựa chọn, nhiều lối thoát để vượt qua thời điểm khó khăn. Từ đó, họ cân nhắc, quyết định và tìm ra lựa chọn phù hợp, tránh không phải nhận BHXH một lần. “Thậm chí, để chủ động, ngăn ngừa từ xa tình trạng nhận BHXH một lần thì ngay từ khi nắm bắt thông tin DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn, có dấu hiệu phải cắt giảm NLĐ, báo giảm lao động tham gia BHXH, cần phải tiếp cận tuyên truyền vận động. Đồng thời, phân tích, đưa ra các phương án lựa chọn để thảo luận với NLĐ, và cuối cùng giúp họ chọn phương án tối ưu. Cần nhấn mạnh những lợi ích của việc hưởng lương hưu và những nguy cơ, thiệt thòi nếu hưởng BHXH một lần”- ông Thiều Quang Ngãi nhấn mạnh.

Châu Anh

(* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)