Print

Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam- Nền tảng số tối ưu hiệu suất phục vụ

Thứ Sáu, 30 /07/2021 10:55

Với việc triển khai đồng bộ trên toàn mạng lưới các nền tảng công nghệ hiện đại, dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” (MPITS)- đang được coi là một trong những hệ thống ứng dụng công nghệ số quan trọng giúp Vietnam Post tiếp tục giữ vị thế là DN bưu chính số 1 trong chuyển đổi số bưu chính tại Việt Nam.

Khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp khiến nhiều DN phải ngưng trệ, thu hẹp sản xuất, thì Vietnam Post vẫn có sự tăng trưởng ổn định. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số đã giúp Vietnam Post tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị hệ thống trong thời gian qua.

Sau gần một năm triển khai dự án CNTT có quy mô lớn nhất từ trước đến này, dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” (MPITS), Vietnam Post đã tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, đồng thời còn giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm đáng kể tại quầy giao dịch.

Nền tảng số MPITS gồm các nhóm nền tảng chính: Nền tảng “Quầy giao dịch đa dịch vụ bưu điện”; “Chấp nhận dịch vụ bưu chính riêng biệt”; “Phân phối bán lẻ, quản lý cung ứng”; “Tập trung hoá kho dữ liệu báo cáo chi tiết, tổng hợp nghiệp vụ, kế toán” và “Hệ thống báo cáo điều hành thông minh từ cấp Tổng Công ty đến Bưu cục” đã đặt nền móng vững chắc cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Bưu điện Việt Nam.

Các nền tảng này gói gọn trong 11 ứng dụng cho từng lĩnh vực, đảm bảo đơn giản trong vận hànhvà triển khai, tính chính xác, bảo mật, độ an toàn và hiệu quả cao trong tác nghiệp, quản lý, quản trị và xử lý thông tin khách hàng. Toàn bộ các tác nghiệp dù nhỏ nhất của Vietnam Post đều được xử lý tự động, tích hợp kết nối và lưu trữ tập trung dữ liệu thành một hệ thống thông tin đồng nhất. Không đơn thuần là dữ liệu thô, nền tảng cho phép phân tích, so sánh, đánh giá, thậm chí đưa ra các giải pháp, gợi ý phương thức xử lý theo thời gian thực cùng với các số liệu của thị trường mà hệ thống thu thập được.

Đơn cử như ứng dụng “Quầy giao dịch đa dịch vụ bưu điện”, một giao dịch viên có thể cung cấp cùng lúc gần 1.000 dịch vụ ở tất cả các mảng kinh doanh. Từ một Bưu cục phục vụ truyền thống trước đây, giờ các Bưu cục đã dần trở thành Bưu cục số, hướng tới Bưu cục thông minh. Trong tương lai, các Bưu cục này thể phục vụ 24/7.

Hay với ứng dụng “Chấp nhận dịch vụ bưu chính” đã lấy khách hàng làm trung tâm, mọi tiện ích đều hướng tới sự nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng. Ứng dụng này cho phép Vietnam Post chấp nhận cùng lúc hàng triệu bưu gửi với nhiều phương thức ghi nhận dữ liệu đầu linh hoạt kết nối API với các sàn TMĐT; các phần mềm bán hàng; file dữ liệu... Khách hàng hoàn toàn chủ động tạo đơn trên app/website My VietnamPost hoặc website riêng. Ngay sau khi tạo thành công, việc tính cước tự động đối với từng khách hàng, từng hình thức gửi được thực hiện ngay tức thì, đồng thời các thông tin nhận, chuyển, phát lập tức được hệ thống thiết lập và kết nối với hệ thống điều tin PacknSend, nền tảng phát Dingdong cũng như hệ thống tổng đài đa kênh. Lúc này, khách hàng có thể truy xuất hành trình bưu gửi chỉ qua một “cú chạm” trên điện thoại thông minh.

Với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, xóa nhòa khoảng cách nông thôn, thành thị, để người dân, nhất là người dân nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với những hàng hóa chất lượng cao tại 13 ngàn điểm phục vụ của Vietnam Post đang cung cấp hàng nghìn mặt hàng thiết yếu cho người dân. Đặc biệt, trong dịch Covid-19, các điểm bán hàng thiết yếu của Bưu điện đã góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng của địa phương.

Để quản lý nguồn hàng hóa được chính xác, cung ứng luôn đầy đủ nền tảng “Phân phối bán lẻ, quản lý cung ứng” đã giúp tối ưu hóa việc quản lý các sản phẩm, đặc biệt là sự liên thông giữa các cấp với nhau trên toàn mạng lưới Bưu điện. Hiện quy trình cung ứng sản phẩm trong việc phân phối hàng hóa, hỗ trợ công tác quản lý số lượng cũng như chất lượng hàng, kho hàng đã được thống nhất trên toàn mạng lưới. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng giúp cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn hóa quy trình bán hàng.

Đặc biệt, với một hệ thống dữ liệu khổng lồ, hiện nay Vietnam Post đang tiếp nhận hàng trăm triệu thông tin trên toàn mạng lưới. Điều này đòi hỏi Tổng Công ty phải sử dụng nền tảng công nghệ cho phép lập báo cáo phân tích, đánh giá theo các lĩnh vực hoạt động của đơn vị, giúp quản lý kế hoạch, phân kỳ kế hoạch, giám sát mục tiêu, kiểm soát thực thi tại tất cả các cấp từ Tổng Công ty đến các điểm phục vụ. Nền tảng “Quản trị, điều hành kế hoạch sản xuất kinh doanh thông minh BI- Business Intelligence) đã giải được bài toán đó. Đây là bước đột phá trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Vietnam Post.

Tại lớp đào tạo triển khai dự án MPITS tháng 9/2020 cho CBCNV trên toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam, ông Nguyễn Thành Hưng- nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT từng chia sẻ, Bưu chính đang thay đổi, trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính đang rất khốc liệt.

Dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” là một dự án quan trọng của Bưu điện Việt Nam. Việc triển khai trên toàn mạng lưới, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sẽ giúp CBCNV của Bưu điện Việt Nam nhanh chóng làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, đưa Bưu điện Việt Nam sớm trở thành DN bưu chính số 1 trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

L.Nguyễn