Print

Thiết lập Trung tâm Hồi sức quy mô 500 giường tại Cần Thơ

Thứ Bảy, 31 /07/2021 18:17

Ngày 31/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế có cuộc làm việc với lãnh đạo TP.Cần Thơ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Dương Tấn Hiển- Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, tính đến 9h ngày 31/7, thành phố ghi nhận 1.349 ca mắc Covid-19. Hiện, Cần Thơ có 21 ổ dịch lớn, chủ yếu trên địa bàn quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và huyện Thới Lai. Cần Thơ hiện đang có 42 khu cách ly, khả năng tiếp nhận 6.517 người. Dự kiến, thành phố sẽ thiết lập thêm 34 khu cách ly nữa để có thể tiếp nhận khoảng 11.000 người.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Bộ Y tế đã đưa ra các tư vấn và hướng dẫn về chuyên môn. Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý KCB đề nghị Cần Thơ nghiêm túc thực hiện mô hình điều trị "tháp 3 tầng", trong đó lưu ý nhanh chóng chuyển tuyến những trường hợp có diễn biến nặng lên tuyến cuối để kịp thời điều trị cho người bệnh. Theo ông Khuê, hiện Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác KCB, phòng chống dịch; do đó Cần Thơ cần nhanh chóng rà soát lại hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn để huy động, điều tiết và sử dụng phù hợp. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, qua phân tích dịch tễ cho thấy độ trễ trong phát hiện ca bệnh tại Cần Thơ rất dài, lên đến 9 ngày, có nghĩa đã trải qua ít nhất 4 chu kỳ lây nhiễm. Như vậy, tình hình đáng lo ngại, vì dịch đã ở cộng đồng và có thể phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Do đó, ngay từ bây giờ, Cần Thơ cần phải xác định cho tình huống xấu hơn. Thành phố cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, càng làm nghiêm bao nhiêu, càng thực hiện triệt để bao nhiêu, thì càng ngăn được các chuỗi lây nhiễm mới bấy nhiêu.

“Muốn làm chậm lây nhiễm, phải nâng công suất xét nghiệm, đẩy nhanh thời gian trả mẫu. Hiện nay, Cần Thơ đang trả mẫu chậm. Những vùng phong toả lấy mẫu 3 ngày/lần, làm theo hộ gia đình với hình thức mẫu gộp test nhanh. Tuy nhiên, không nhất thiết phải tập trung lấy mẫu mà thực hiện chia nhiều điểm nhỏ, có thể lấy mẫu tại nhà. Ngay cả khi có kết quả âm tính vẫn yêu cầu người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Khi có mẫu dương tính, cần nhanh chóng đưa người đi cách ly”- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, trong vài ngày tới, Bộ sẽ cấp thêm xe xét nghiệm lưu động cho Trường Đại học Y dược Cần Thơ để phục vụ xét nghiệm nhanh cho thành phố. Mỗi xe có thể thực hiện 2.000 mẫu/ngày. Bộ Y tế cũng sẽ cấp thêm test nhanh cho Cần Thơ; tuy nhiên thành phố cần chủ động mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm và vật tư phòng chống dịch. Bộ Y tế sẽ thiết lập tại Cần Thơ Trung tâm Hồi sức quy mô 500 giường (trong trường hợp cần thiết có thể nâng lên thành 800-1.000 giường). Trung tâm này mang tính chất khu vực, chứ không chỉ phục vụ riêng Cần Thơ. Bộ Y tế sẽ làm việc với BV Quân y 103 và sẽ điều các chuyên gia của BV vào hỗ trợ hoạt động của Trung tâm này. Ngoài ra, một Trung tâm Hồi sức tích cực quy mô 200 giường cũng đã và đang được thiết lập tại BVĐK Trung ương Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Quang Mạnh bày tỏ lời cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Y tế và các chuyên gia của Đoàn công tác đã gợi mở nhiều thông tin về chuyên môn trong phòng chống dịch cho Cần Thơ. Ông Mạnh đánh giá, với tình hình hiện tại, xu hướng dịch vẫn đang tăng lên và tiếp tục tăng, dù Cần Thơ đã nỗ lực nhiều trong thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, trong đó có quyết liệt truy vết, tăng cường nâng công suất xét nghiệm. Cũng theo ông Mạnh, Cần Thơ sẽ thực hiện tốt phân tầng điều trị, tuy nhiên rất cần có sự hỗ trợ về điều trị của Bộ Y tế.

Sông Trà