Print

“Vòng xoáy” nợ nần khi vay tiền qua App

Thứ Sáu, 20 /08/2021 09:28

Bài 2

Muôn kiểu khủng bố tinh thần

Liên tiếp trải qua các làn sóng dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều NLĐ giảm mạnh, cuộc sống đối mặt muôn vàn khó khăn. Chính vì vậy, trước những lời mời chào hấp dẫn, không ít người vay đã nhanh chóng “sập bẫy”, rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải chịu mức lãi “cắt cổ” cùng nhiều hệ lụy khôn lường...

“Chặt chân, chặt tay- nếu không trả nợ”

Sau khi mất việc, để có thể bám trụ lại Thủ đô, không còn cách nào khác, vợ chồng anh Nguyễn Văn Xuân (28 tuổi, quê Nghệ An), đành lên mạng vay 6 triệu đồng qua một App vay tiền online. “Do thấy thủ tục nhanh chóng mà lại đang cần để đóng tiền nhà, nên tôi đã vay qua một App mà bạn bè giới thiệu. Gần một tuần khi đến hạn trả tiền, bên App liên tục gọi yêu cầu trả đúng hạn với số tiền hơn 10 triệu đồng, trong khi lúc vay cam kết cả gốc và lãi tôi phải trả là hơn 7 triệu...”- anh Xuân bức xúc nói.

Một nạn nhân của App vay tiền online

Sau 5 ngày quá hạn không có đủ tiền trả cả gốc và lãi, anh Xuân liên tiếp bị các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau gọi đe dọa. “Họ nói nếu không trả đủ sẽ cho người đến chặt chân, tay cả 2 vợ chồng tôi. Dù tôi đã trình bày hoàn cảnh khó khăn, ngay khi hết dịch sẽ tìm việc làm và trả đầy đủ, nhưng bọn họ vẫn gọi điện chửi bới, còn dọa sẽ về quê tìm bố mẹ tôi để đòi nợ… Không còn cách nào khác, tôi phải tìm vay một App khác để trả, đến nay tổng số nợ của tôi đã gần 60 triệu”- anh Xuân kể.

Cũng là nạn nhân của dạng “tín dụng đen” này, T.T.A (công nhân tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh) đã vay 3 triệu đồng từ App. Sau gần một tháng, số tiền lãi phạt tăng lên 10 triệu đồng. Khó khăn chồng chất lại không có nguồn trả, A. được ứng dụng này giới thiệu thêm ứng dụng khác có lãi suất thấp hơn trả cho khoản nợ cũ, nên đành liều theo. Giống như anh Xuân, A. lao vào “vòng xoáy” của các App vay. Khi không có đủ tiền trả nợ thì A. và người thân cũng bị phía cho vay liên tục gọi điện làm phiền, chửi bới đe dọa...

Cuối tháng 7/2021, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Tuyên Quang) đã tiếp nhận, xử lý tin báo của chị T.H.Y- trú tại huyện Yên Sơn. Theo đơn trình báo, tháng 3/2021, chị Y. có vay 3 triệu đồng qua App “Sieudong” với thủ tục đơn giản: Gửi ảnh CMND và cho phép App truy cập vào danh bạ điện thoại. Tuy nhiên, chị Y chỉ nhận được 1,2 triệu đồng do các đối tượng giải thích thu lãi, gốc, phí dịch vụ và yêu cầu chị phải trả đủ số tiền 3 triệu đồng trong vòng 7 ngày, nếu chậm nộp sẽ phải chịu phí phạt.

Đến hạn, chị Y. chưa có tiền trả, các đối tượng tiếp tục giới thiệu chị vay tiền qua các App khác để trả. Đến ngày 9/6, chị Y. đã vay của 39 App, như: “Cây phát tài”, “Vay tốt”, “Ví vui vẻ”, “Trạm tiền”, “Ví chanh”… với 164 giao dịch vay tiền. Tổng số tiền chị Y. phải trả cho các App lên tới gần 480 triệu đồng.Ngoài ra, các đối tượng liên tục dùng số điện thoại lạ gọi khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, nhắn tin quấy rối bạn bè, người thân, đồng nghiệp, gây sức ép để chị Y. trả tiền.

Do lo sợ, chị Y. đã vay tiền của bạn bè, người thân được 124 triệu đồng để trả cho các App, nhưng vẫn còn nợ 355,2 triệu đồng. Số tiền lãi liên tục tăng khiến chị Y. không đủ khả năng trả nợ. Trong khi đó, các đối tượng lại tiếp tục khủng bố, đe dọa tính mạng chị và người thân trong gia đình với nhiều hình thức khác nhau. Sau nhiều ngày mất ăn, mất ngủ và không thể chịu được áp lực từ các đối tượng cho vay, chị Y. đã phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan Công an…

Dồn ép đến bước đường cùng

Theo các chuyên gia, đa số người vay tiền qua App không thể trả đúng như cam kết ban đầu. Bởi, lãi suất trên thực tế luôn khác xa so với lãi suất niêm yết trên những ứng dụng vay tiền online hoặc hợp đồng vay vốn. Đơn cử, có trường hợp lãi suất niêm yết trên ứng dụng vay online là 16%, trong khi hợp đồng tín dụng lãi suất vay lên tới hơn 20%/năm; thậm chí mức phí phạt chậm trả cũng luôn cao ngất ngưởng, nhiều trường hợp cao gấp 3 lần.

Đủ chiêu trò đòi nợ bôi xấu danh dự người vay trên mạng xã hội

Đặc biệt, tuy nói thủ tục “nhanh gọn”, nhưng khi nhận tiền, người vay bị các đối tượng tính thêm rất nhiều loại phí, như: Phí thẩm định hồ sơ, phí vay lần đầu, phí chậm trả… Các khoản phí này sau khi cộng với lãi suất niêm yết trên website sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Thay vì thu lãi theo định kỳ, nhiều App đã trừ thẳng tiền lãi kỳ đầu vào số tiền giải ngân của khách.

Hậu quả vay qua App đã được cảnh báo nhiều lần để người dân nâng cao cảnh giác. Với đường dây “tín dụng đen” cho vay qua ứng dụng, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người dân dễ dàng nhận được tiền vay chỉ trong vòng vài phút, nhưng đó cũng chính là cái bẫy do phía cho vay giăng ra để đưa người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, không lối thoát. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người dân tiếp tục sập bẫy.

Điều đáng nói, sau khi trót vay trên App, nhiều nạn nhân đã phải cầu cứu cơ quan chức năng do bị đe dọa đến tính mạng. Không những gọi điện “khủng bố”, các đối tượng cho vay còn đưa hình nạn nhân lên các trang mạng xã hội để bêu xấu, dọa nạt. Có nhiều trường hợp do quá sợ hãi đã phải tìm đến cái chết, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho người thân.

Cuối tháng 3/2020, một nữ công nhân 23 tuổi ở Biên Hòa (Đồng Nai) tự tử do sa vào tín dụng đen. Trong thư tuyệt mệnh gửi cho mẹ, cô gái cho hay mình mắc nợ từ hơn 10 App cho vay tiền online, vì không có khả năng trả nên đi vào bước đường cùng. Điều tàn nhẫn là sau khi con gái qua đời, gia đình nạn nhân vẫn liên tục bị các App gọi hàng trăm cuộc điện thoại khủng bố, yêu cầu trả nợ thay…

Cái chết của giảng viên một trường CĐ ở phía Nam vào ngày 10/5/2020 do vướng đến vay tiền online khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ vay có 5 triệu đồng để chi tiêu, đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng. Sau đó, App cho vay giới thiệu các App khác để anh vay tiếp, trả nợ khoản vay trước. Cứ thế, mấy tháng sau, số tiền vay online tăng lên hơn 200 triệu đồng. Liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần, lại bị đe dọa bôi nhọ và làm mất uy tín, khiến người này phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Hoài Anh