Print

Indonesia: Chất lượng nguồn lao động có nguy cơ sụt giảm bởi việc đóng cửa trường học kéo dài

Thứ Sáu, 17 /09/2021 19:17

Năm 2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ni Kadek Suriani, 13 tuổi, chuẩn bị lên năm thứ 2 bậc học THCS. Sau đó, cha mẹ em mất việc và em buộc phải tạm ngưng việc học, theo cha mẹ chuyển đến mưu sinh ở Bali-hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia.

Các chuyên gia cho rằng cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra và việc đóng cửa các trường học trong hơn một năm đã là đòn giáng nặng nề đối với đa số trong 68 triệu học sinh của Indonesia. Đồng thời, cũng làm “lung lay” kế hoạch của Tổng thống Indonesia Joko Widodo là vươn lên một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045 với nền tảng là lực lượng lao động có tay nghề cao. "Có thể nói, Indonesia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về giáo dục”- Noah Yarrow, chuyên gia lĩnh vực giáo dục thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định- "Trẻ em đang ít cơ hội học tập bài bản hơn so với những kiến thức cần trang bị để làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy tính cạnh tranh".

Ni Kadek Suriani, 13 tuổi, đang tự học tại nhà tạm trú cho bà mẹ và trẻ em khi trường học đóng cửa vì Covid-19

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đại dịch Covid-19 khiến có hơn 80% thanh thiếu niên 15 tuổi Indonesia đạt dưới mức độ đọc hiểu tối thiểu theo chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); 70% học sinh không đạt chuẩn về trình độ đọc, viết cơ bản theo bài kiểm tra của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD, đưa Indonesia xếp trong nhóm kém nhất (8%) trong số 77 quốc gia tham gia. Thậm chí có một bộ phận học sinh Indonesia mặc dù đã tốt nghiệp cấp III, song trung bình chỉ học tập hiệu quả trong 7,8 năm; trong đó, con số này giảm xuống thấp nhất là 6,9 năm vào tháng 7/2021. Ước tính rằng việc học tập gián đoạn trong thời kỳ đại dịch sẽ khiến sinh viên Indonesia mất ít nhất 253 tỷ USD thu nhập suốt đời.

Trường học ở Indonesia đã đóng cửa trong 55 tuần, kể từ ngày 4/8/2020, so với 25 tuần ở Việt Nam, 37 tuần ở Nhật Bản và 57 tuần ở Philippines (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới). Đến nay, nhiều trường học vẫn đóng cửa hoàn toàn, số còn lại mở cửa trong thời gian giới hạn. Bộ Giáo dục Indonesia từng thừa nhận: “Việc đóng cửa trường học có "tác động lớn đến kết quả học tập của trẻ em. Nhưng đó là một hiện tượng toàn cầu, không chỉ ở Indonesia. Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi hiện đang khuyến khích các trường học bắt đầu thí điểm việc học trực tiếp bên cạnh học trực tuyến, để trẻ em có thể quay lại trường học, giao lưu với giáo viên, bạn bè và nâng cao tinh thần học tập".

Với việc trường học đóng cửa, Indonesia đã phát triển chương trình, kế hoạch kịp thời đơn giản hóa và thiết lập các bài học trực tuyến cùng với khoản tín dụng internet để giúp học sinh giảm bớt chi phí học tập. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình và chương trình phát thanh về giáo dục cũng tăng cường khả năng học tập từ xa. Tuy nhiên, khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trung bình học sinh Indonesia chỉ học trực tuyến từ 2,2 đến 2,7 giờ/ngày. Non một nửa số học sinh không làm bất kỳ bài tập nào, mặc dù hơn 90% nhận được bài tập do giáo viên gửi qua ứng dụng nhắn tin.

Indonesia có phạm vi phủ sóng internet khá rộng, song Florischa Ayu Tresnatri, nhà nghiên cứu, thuộc Viện SMERU có trụ sở tại Jakarta, cho biết: Việc học trực tuyến của học sinh gặp trở ngại vì đường truyền không ổn định. Nhiều hộ gia đình chỉ có một chiếc điện thoại thông minh cơ bản, cha mẹ thường cần cho công việc, muốn con cái tham gia học trực tuyến trôi chảy phải trích ngân sách gia đình mua sắm thiết bị điện tử. Sự vắng mặt của giáo viên; không được giao lưu với bạn bè; học phí, phương tiện học tập… là lý do khác khiến học sinh gặp khó khăn trong việc học hoặc bỏ học hoàn toàn trong thời kỳ đại dịch.

Indonesia là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất trên thế giới. Đến năm 2035, 64% sẽ trong độ tuổi lao động, mang lại cho Indonesia một lợi thế kinh tế tự nhiên về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhiều học sinh có nguy cơ không được nhận sự giáo dục đầy đủ để trở thành một phần của lực lượng lao động có tay nghề cao mà Chính phủ Indonesia kỳ vọng để hướng tới một nền kinh tế hiện đại, hàng đầu khu vực và thế giới.

Tùng Anh (Theo The Independent)