Print

Phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19

Thứ Năm, 23 /09/2021 17:57

Sáng nay (23/9), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia và lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo về tình hình công tác phòng chống dịch bệnh, việc thực hiện chiến lược vắc-xin và dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Sau đó, các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương đã cơ bản thống nhất với các báo cáo, đồng thời đóng góp các ý kiến cho dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, về cơ bản tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn đang được kiểm soát và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 2 tuần gần đây, số ca tử vong và mắc Covid-19 trong cộng đồng liên tiếp giảm; nhiều tỉnh chuyển trạng thái theo các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế…

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp; việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn là khâu yếu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, khắc phục. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan ở một số địa phương. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản tốt, nhưng có nơi vẫn chưa bao quát hết các đối tượng cần hỗ trợ. Có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh, nhất là tại một số địa phương bắt đầu nới lỏng sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân còn chủ quan trong việc ra đường, tụ tập đông người, khiến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các biện pháp công nghệ vẫn chưa hoàn thiện, công tác truyền thông vẫn chưa chủ động.

“Qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Chúng ta chống dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vắc-xin và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập”- Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, các ý kiến tại cuộc họp đều đánh giá các giải pháp phòng chống dịch cơ bản là đúng hướng, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện Việt Nam. Các biện pháp về cách ly, xét nghiệm, điều trị, vắc-xin, an sinh xã hội về cơ bản phù hợp, song vấn đề là phải tiếp tục điều chỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, có tính hệ thống. Đồng thời, phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả ở các cấp, nhất là cấp cơ sở, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nhưng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải định hướng cho phù hợp, tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện, điều chỉnh ngay những gì chưa phù hợp. “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi… Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19”- Thủ tướng nêu rõ.

Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nguyên tắc phải quán triệt để xây dựng hướng dẫn, đó là Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thiện và khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêm vắc-xin cho trẻ em. Thủ tục mua vắc-xin phải nhanh; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế… Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc đi học rất linh hoạt, những nơi an toàn, đã chuyển sang vùng xanh có thể đi học bình thường và có giải pháp phù hợp. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ căn cứ yêu cầu của các địa phương (nhất là TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai) đáp ứng yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, nhất là kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức an sinh xã hội, thực hiện các biện pháp y tế, khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ về an sinh xã hội.

Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải phối hợp chặt chẽ để vừa phòng chống dịch tốt, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng và tập trung phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục truyền thông tốt hơn, chủ động hơn theo phương châm “dân biết- dân hiểu- dân tin- dân theo- dân làm” để nhân dân đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, tiêm vắc-xin và tự giác tuân thủ các biện pháp, yêu cầu phòng chống dịch. Khẩn trương thống nhất các ứng dụng (app) phục vụ phòng chống dịch thành một app thống nhất, tránh phiền hà cho người dân.

Bộ Tài chính căn cứ quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan của Quốc hội tiến hành hỗ trợ kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo phân công; thực hiện chế độ báo cáo hằng tuần và báo cáo đột xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với việc phòng chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, phải đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong phòng chống dịch, nhất là mua sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc. Đồng thời, cũng phải phòng chống việc xuyên tạc, đưa tin giả, tin xấu, thông tin võ đoán, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, nhất là gây hoang mang, nhụt chí trong lực lượng tuyến đầu. Theo đó, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm, xử lý ngay các vi phạm này nếu có căn cứ.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan, các lực lượng tuyến đầu đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt; nghiên cứu, đề xuất chính sách hậu phương cho những người tham gia tuyến đầu, nhất là những người đã hy sinh.

Nam Điền