Print

Ranh giới giữa quyền bảo đảm tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân

Thứ Năm, 23 /09/2021 22:28

Đó là chủ đề Hội thảo trực tuyến do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức chiều nay (23/9), dưới sự chủ trì của GS-TS.Tạ Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Hội thảo cũng là sự kiện đánh dấu mốc 5 năm thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành (2016-2021).

Với sự tham gia của gần 100 người làm báo trong và ngoài nước, nhiều vấn đề đã được thẳng thắn đưa ra bàn thảo và tranh luận sôi nổi. Trong đó, nổi bật là các vấn đề như: Ranh giới giữa tin tức và số phận nhân vật trong tác phẩm báo chí; quyền tự do báo chí, quyền thông tin, bao gồm chữ viết, hình ảnh về nhân vật thì có mâu thuẫn gì với quyền về đời tư cá nhân; bảo vệ thông tin và hình ảnh cá nhân trong thời đại số; những xung đột giữa quyền bí mật cá nhân với quyền được thông tin của báo chí; trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí trong vấn đề bảo vệ thông tin, hình ảnh cá nhân…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS-TS.Đinh Thị Thúy Hằng- Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) nhấn mạnh: Đời sống riêng tư và bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ và là quyền của mỗi công dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thông tin về cá nhân và đời tư được khai thác trên báo chí và các trang mạng xã hội với những mục đích khác nhau. Có những thông tin đời tư đưa ra công chúng với mục đích vinh danh một tấm gương hoặc tạo sự nổi tiếng nhanh chóng cho một tên tuổi. Cũng có thông tin cá nhân tiết lộ trên mặt báo đã gây hậu quả cho cuộc sống, ảnh hưởng đến hình ảnh và danh dự của người bị đưa tin, vi phạm quyền riêng tư của công dân…

Theo PGS.Đinh Thúy Hằng, trong hoạt động báo chí, nhà báo được quyền khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin nhằm phục vụ lợi ích của công chúng, để phục vụ quyền tiếp cận thông tin, bao gồm quyền được thông tin của công dân theo các quy định của pháp luật. Cùng với đó, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Do vậy, nhà báo cần có trách nhiệm với từng tin tức, từng sự thật mà mình đưa ra, nhưng trên hết là trách nhiệm trước mỗi số phận của con người trong hành trình tác nghiệp. Đáng chú ý, trong hoạt động báo chí, đôi khi có những vấn đề, những tình huống rất khó nhận định, đưa ra quyết định “trắng-đen” ngay, mà nó đòi hỏi chúng ta cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi ranh giới giữa thông tin có đạo đức nghề nghiệp và thông tin vi phạm đạo đức hoặc lương tâm nghề nghiệp là rất mỏng manh.

Chính vì vậy, Hội thảo với chủ đề: “Ranh giới giữa quyền bảo đảm tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân trên báo chí” luôn hấp dẫn, đa dạng và tiếp tục được nhìn nhận từ nhiều góc độ mới. Hội thảo lần này cũng là dịp để những người làm báo, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông báo chí cùng nhau chia sẻ những thách thức và đưa ra những giải pháp trong hoạt động tác nghiệp báo chí ở Việt Nam- những giải pháp phù hợp với xu thế chung của thế giới, tăng cường bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, góp phần loại bỏ các khe hở và đưa báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập.

Đại diện các cơ quan báo chí, như: Tuần Tin tức, TTX Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Báo Thế giới hội nhập, Báo điện tử Dân Việt… đã tham luận chia sẻ và phân tích những tình huống, câu chuyện cụ thể liên quan đến đạo đức nghề nghiệp trong quyền thông tin của nhà báo và quyền đời tư cá nhân. Đồng thời, đưa ra đề xuất, giải pháp cụ thể cho các nhà báo, cơ quan báo chí và quản lý báo chí liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Kết luận Hội thảo, GS-TS.Tạ Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đạo đức nghề nghiệp nhà báo luôn được coi là nền tảng trong hoạt động báo chí. Người làm báo phải có đạo đức, có lương tâm, có trách nhiệm nghề nghiệp, đặc biệt là tuân thủ pháp luật. Khi nhà báo đặt mình vào vị trí của nhân vật sẽ hiểu được tâm trạng và có thái độ ứng xử đúng đắn. Chính vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp để mỗi nhà báo giữ vững bản lĩnh, lập trường, lương tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của công chúng, của sự thay đổi báo chí hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước…

Châu Anh