Print

BHXH TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 95% dân số tham gia BHYT

Thứ Sáu, 24 /09/2021 17:04

BHXH TP.Hà Nội vừa ban Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố về thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, BHXH Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95% dân số; tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 50% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 47% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ lao động tham gia BH thất nghiệp đạt 40% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Để đạt được những mục tiêu này, BHXH Thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook cá nhân... để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT; quyền lợi, nghĩa vụ và cách thức tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, yêu cầu mỗi CBVC và NLĐ của BHXH Thành phố là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT.

Khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát triệt để, BHXH TP.Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm nông dân, lao động làm việc tại khu vực phi chính thức (các làng nghề, tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, người buôn bán nhỏ lẻ...), nhưng đồng thời phải phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh. Cần chú trọng, phát huy vai trò, uy tín của những tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dân cư để lan tỏa chính sách, thuyết phục, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với các đại lý thu trên địa bàn để bám sát cơ sở, nắm bắt từng hộ gia đình “đi từng ngõ, vào từng nhà, rà từng trường hợp” để tuyên truyền sự cần thiết và lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Để phát triển BHXH tự nguyện, BHXH các quận, huyện, thị xã cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thay đổi về chính sách BHXH đến người SDLĐ và NLĐ trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp như: Xây dựng cụm panô, áp phích, phát hành tờ rơi; tuyên truyền trên báo chí, hệ thống thông tin cơ sở (đài truyền thanh, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở, bảng tin công cộng); tuyên truyền trên mạng xã hội, các nền tảng công nghệ số, phát huy hiệu quả các sản phẩm truyền thông, video, clip...; tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại với người SDLĐ và NLĐ đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, BHXH Thành phố sẽ xác định, phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH, BHYT; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị trốn đóng BHXH; phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH, BHYT.

BHXH TP.Hà Nội luôn xác định: Cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ là phương cách tốt nhất gỡ bỏ rào cản người dân tiếp cận chính sách. Vì vậy, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong các dịch vụ và hoạt động nghiệp vụ; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; triển khai cài đặt ứng dụng VssID cho 100% người tham gia BHXH, BHYT; đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Châu Anh

Theo kế hoạch HĐND Thành phố giao năm 2021, BHXH TP.Hà Nội phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 91,5% dân số; bao phủ BHXH đạt 40% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó: Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 39% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ bao phủ BH thất nghiệp đạt 37% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Như vậy, để hoàn thành kế hoạch này, từ nay đến cuối năm, BHXH TP.Hà Nội còn phải phát triển thêm khoảng 110.000 người tham gia BHYT, 210.000 người tham gia BHXH bắt buộc và 211.000 người tham gia BH thất nghiệp.