Print

Thẩm tra sơ bộ việc ký hiệp định BHXH giữa Việt Nam-Hàn Quốc

Thứ Sáu, 24 /09/2021 19:01

Chiều 24/9, Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ việc ký hiệp định về BHXH giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Tham dự phiên họp có đại diện Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính-Ngân sách; đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính... Đại diện BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đã tham dự phiên họp. 

Trình bày Tờ trình về việc ký hiệp định, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong bối cảnh hội nhập và xu hướng dịch chuyển lao động quốc tế, NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và NLĐ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng lên, đòi hỏi cần có các chính sách bảo đảm cho NLĐ được tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội, tạo sự bình đẳng về cơ hội cho không chỉ NLĐ nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, mà còn đối với NLĐ Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo các quy định trong Luật BHXH của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc, việc bổ sung quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không chỉ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ nước ngoài đến Việt Nam làm việc, mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi cho NLĐ Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, với quy định áp dụng BHXH nêu trên cũng phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH, NLĐ Việt Nam khi đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam, vừa phải đóng BHXH ở Hàn Quốc; và tương tự với NLĐ Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia giải quyết vấn đề này bằng thỏa thuận thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hoan, Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, lao động, xã hội, giao lưu nhân dân. Cùng với đó, số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và số lượng NLĐ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, để bảo đảm tuân thủ pháp luật của nước mà NLĐ đến làm việc, tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của NLĐ là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai bên đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo hiệp định về BHXH giữa hai nước. Việc tiến tới ký kết hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng đàm phán hiệp định về BHXH với các nước khác trong thời gian tới.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận sự cần thiết ký kết hiệp định và khẳng định Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, nên giao lưu nhân dân và lao động di cư giữa hai nước ngày càng gia tăng. Để tránh đóng song trùng BHXH cho NLĐ ở cả hai quốc gia và để có cơ sở giúp NLĐ hai nước được tính cộng gộp thời gian đóng BHXH khi làm việc ở quốc gia còn lại, thì việc ký kết hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cần thiết và phù hợp với nội dung cải cách của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Mặt khác, việc ký kết hiệp định về BHXH nhằm đảm bảo sự tham gia và quyền lợi của NLĐ ở hai quốc gia, tránh việc NLĐ phải đóng BHXH hai lần, đảm bảo tính liên tục về thời gian đóng để hưởng BHXH, góp phần giảm thiểu gánh nặng tài chính cho NLĐ di cư; đảm bảo an sinh xã hội cho họ khi về già; hỗ trợ các công ty trong mở rộng hoạt động ra nước ngoài và kích thích tạo môi trường kinh doanh thân thiện, khuyến khích các công ty đầu tư vào nước còn lại...

Nguyệt Hà