Print

30.000 tỷ đồng từ quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Thứ Sáu, 24 /09/2021 19:57

Chiều 24/9, ngay sau phiên họp bất thường của Ủy ban TVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban TVQH về ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp.

Theo đó, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban TVQH gồm 4 Điều. Cụ thể:

Điều 1. Chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

1. Sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ BH thất nghiệp đến hết năm 2020 để hỗ trợ NLĐ thuộc các đối tượng sau:

a. Đang tham gia BH thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên).

b. Đã dừng tham gia BH thất nghiệp do chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 và có thời gian đóng BH thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của Luật Việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

2. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Điều 2. Chính sách hỗ trợ người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Người SDLĐ quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BH thất nghiệp trước ngày 1/10/2021 được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp trong thời gian 12 tháng, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết này và mức hỗ trợ bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ, công bằng đối với NLĐ và người SDLĐ tham gia BH thất nghiệp; chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, các địa phương triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.

2. Ủy ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức đại diện người SDLĐ và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký♦

VT