Print

Giảm bớt dù chỉ một chút muối cũng có thể mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe

Thứ Hai, 18 /10/2021 12:29

Đôi khi, những thay đổi tưởng như nhỏ trong lại có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với sức khỏe của mọi người. Ví dụ như ảnh hưởng của muối đến vấn đề huyết áp chẳng hạn.

Lượng muối nạp vào cơ thể mỗi người là bao nhiêu mới an toàn là một trong những chủ đề gây tranh cãi trong suốt nhiều thế kỷ và đến giờ cũng chưa có hồi kết. Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày với sức khỏe con người, song đều có chung đáp án là kiến nghị cơ quan chức năng đưa ra các quy định hạn chế muối trong thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm chế biến sẵn trên thị trường.

Hiện hơn 100 triệu người Mỹ bị huyết áp cao, một chứng rối loạn làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ và đối với nhiều người, bệnh này còn tồi tệ hơn do tiêu thụ quá nhiều muối. Vậy muối có thực sự không tốt cho tim mạch? Vào năm 2010, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Stanford đã ước tính rằng việc cắt giảm khoảng 350 miligam muối mỗi ngày (ít hơn một phần sáu thìa café muối) sẽ làm giảm huyết áp, thậm chí ngăn chặn được khoảng một triệu ca đột quỵ và đau tim.

Một nghiên cứu khác được thực hiện tại 600 ngôi làng ở vùng nông thôn Trung Quốc với 20.995 người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao, đã chứng minh việc thay thế giảm muối trong thức ăn thông thường sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ biến cố tim mạch và tử vong liên quan trong khoảng thời gian theo dõi (trung bình từ 5 năm trở xuống). Nghiên cứu này chỉ cắt giảm lượng muối trong khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày chứ không hạn chế các sản phẩm khác nước tương và bột ngọt. Còn 15 năm trước, một nghiên cứu tương tự với đối tượng là người cao tuổi ở Đài Loan, giảm lượng muối đã giúp người tham gia nghiên cứu đưa tỷ lệ tử vong do tim mạch xuống 41% trong vòng chưa đầy 3 năm.

Theo thống kê mới nhất, lượng muối trong chế độ ăn uống điển hình của người Mỹ cao hơn 1/3 so với tiêu chuẩn là 2.300 miligam/ngày (mà Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị đối với người khỏe mạnh) và cao gấp đôi so với mức 1.500 miligam/ngày (đối với người huyết áp cao). Trong khi đó, cơ thể chỉ cần 220 miligam/ngày mà thôi. Cơ thể con người thường lưu giữ natri và loại bỏ kali trong muối, điều này giải thích tại sao chế độ ăn nhiều natri là một vấn đề nghiêm trọng. Hay nói cách khác, cơ thể có nhiều lượng natri dư thừa, sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh.

Trước khi có công nghệ đông lạnh, muối được đánh giá cao về khả năng bảo quản thực phẩm. Trong quá khứ, muối được đánh giá cao đến mức còn được dùng làm đơn vị để trao đổi ngang với tiền tệ. Tuy nhiên, giờ đây, muối đã trở thành “kẻ thù” dẫn đến bệnh tim, bệnh tăng huyết áp, bệnh thận, cùng những chứng rối loạn chết người khác. Mặc dù các chuyên gia y tế từ lâu đưa ra khuyến cáo mọi người lưu ý về lượng muối trong khẩu phần ăn, lượng muối tiêu thụ cũng đã giảm bớt, song để đạt đến mức độ an toàn cho sức khỏe thì vẫn còn là một thách thức lớn. Vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào ý thức người tiêu dùng mà còn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của nhà sản xuất. Hiện nay, lượng natri trong thực phẩm chế biến sẵn đã bắt buộc in trên bao bì, giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm một cách khoa học và an toàn hơn trước khi đến quầy thanh toán.

Người tiêu cùng cũng có thể chủ động giảm lượng muối trong nhiều loại thực phẩm đóng hộp (rau củ, đậu Hà Lan…) bằng cách rửa chúng qua nước. Hoặc thử mẹo pha loãng lượng muối trong các món súp, canh đóng hộp bằng cách thêm nhiều nước, gia giảm các loại rau củ tươi trước khi đun trên bếp, hâm nóng trong lò vi sóng. Cũng có thể cắt giảm lượng natri là tránh sử dụng các thực phẩm ủ muối như gà, jambon, xúc xích… Thực ra, việc bỏ sở thích ăn thức ăn chế biến đậm đà của một người tương đối dễ dàng, có thể bằng cách dần dần nêm nếm và ăn ít muối hơn để vị giác được điều chỉnh. Bên cạnh các quy định của Chính phủ nhằm hạn chế natri trong muối, người tiêu dùng có thể cân nhắc viết thư cho nhà sản xuất và yêu cầu họ xem xét giảm lượng muối sử dụng trong sản phẩm.

Tùng Anh (Theo The New York Times)