Print

Sẵn sàng ứng phó diễn biến mưa lũ phức tạp

Thứ Ba, 19 /10/2021 16:14

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có văn bản gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn bản nêu rõ, từ ngày 15/10 đến nay, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 700mm; gây lũ lớn trên diện rộng, trong đó một số sông lũ trên mức báo động 3 (sông Kiến Giang tỉnh Quảng Bình; sông Vu Gia, Thu Bồn tỉnh Quảng Nam; sông ĐắkBla tỉnh Kon Tum); trên 80 xã, phường vùng trũng thấp, ven sông bị ngập lụt, chia cắt.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất của nhân dân cũng như chuẩn bị ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tập trung vào một số nội dung như: Xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và KCN. Trong đó, lưu ý tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là kiểm soát chặt chẽ tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tổ chức thu dọn vệ sinh ngay khi lũ rút và đảm bảo an toàn khi cấp điện trở lại.

Kiểm tra, rà soát lại các phương án để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ đã đầy nước, các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công dở dang và đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời, tăng cường công tác trực ban ở tất cả các cấp để theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến thiên tai, thiệt hại để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai…

Theo báo cáo ngày 18/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện đang có hàng ngàn hộ gia đình ở miền Trung ngập trong nước lũ. Cụ thể, ở Quảng Bình có 30 xã/2.232 hộ bị ngập. Trong đó, huyện Lệ Thủy có 20 xã/1.683 hộ; huyện Quảng Ninh có 6 xã/275 hộ; huyện Bố Trạch có 4 xã/274 hộ ngập 0,2-1,2 m. Tại Quảng Trị có 15 xã bị ngập 0,5-2 m. Thừa Thiên Huế ngập 6 xã khu vực ven sông Bồ, sông Ô Lâu thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền. Đà Nẵng ngập 3 xã ven sông Yên, huyện Hòa Vang.

Thiệt hại do mưa lũ đã khiến 3 người chết (Nghệ An 2, Hòa Bình 1) và 3 người mất tích (Quảng Bình 2, Quảng Trị 1). Về giao thông, có 76 vị trí sạt lở đường giao thông địa phương (Huế 6, Quảng Nam 31, Nghệ An 33, Quảng Bình 6). Ngoài ra, còn có 36 điểm đường quốc lộ và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, Đắk Lắk bị ngập sâu. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.

Tính đến chiều tối 18/10, quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam và đường Hồ Chí Minh đã thông xe. Mưa lũ cũng gây thiệt hại hơn 2.000ha lúa và 378ha hoa màu, cây cảnh các loại bị ngập, cuốn trôi, 19ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại, 65 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại một phần…

Thanh Hằng