Print

Những người thợ thủ công cuối cùng làm mũ Fez của Ai Cập

Thứ Tư, 20 /10/2021 16:38

Với thâm niên 45 năm, ông Nasser Abdel Basset tự hào là nghệ nhân trong nghệ thuật làm mũ Fez, chiếc mũ mang tính biểu tượng của Ai Cập, được giới thượng lưu, quan chức và trí thức thường đội.

Tọa lạc tại phố cổ al-Ghoureya thuộc Thủ đô Cairo (Ai Cập), xưởng của ông Nasser Abdel Basset là một trong số rất ít xưởng chế tác mũ Fez còn sót lại cho đến ngày nay. "Tôi học nghề từ một nghệ nhân, sau đó thừa kế nghệ thuật làm mũ Fez và bây giờ tôi đang cố gắng truyền lại kiến thức cho hậu thế. Người ta nói nghề thủ công sẽ biến mất? Không bao giờ có chuyện ấy. Tôi đã và đang truyền nghề cho con cái của mình", người thợ thủ công 60 tuổi chia sẻ.

Nghề làm mũ Fez phát triển mạnh mẽ dưới thời cai trị của Mohamed Ali Pasha, một chỉ huy quân sự của Đế chế Ottoman nắm chính quyền ở Ai Cập vào năm 1805. Vào thế kỷ XIX, mũ Fez gần như là trang phục bắt buộc đối với giới thượng lưu, quan chức, trí thức của Ai Cập, được coi là vật dụng thể hiện địa vị xã hội và trình độ học vấn của người đội. Tuy nhiên, sau khi chế độ cầm quyền của Ali bị lật đổ vào năm 1952, Tổng thống Gamal Abdel Nasser đã bãi bỏ việc dùng Fez vì chiếc mũ này bị coi là một trong những biểu tượng của tầng lớp cầm quyền cũ.

Fez hay còn được gọi là Rumi Topi, có nghĩa là “mũ của Rome” vì tinh thần của Đế chế Ottoman là coi mình là quốc gia kế vị Đế chế Đông La Mã. Bên cạnh Ai Cập, mũ Fez còn được một số bộ phận của tầng lớp quý tộc Hồi giáo ở Nam Á sử dụng. Tại Sri Lanka, mũ Fez được người Moor ưa chuộng, đến nay vẫn được sử dụng trong các nghi lễ hôn nhân truyền thống của dân tộc này. Ở Trung Đông và Bắc Phi, mũ Fez thông dụng với nhân viên của các khách sạn, nhà hàng, cơ sở du lịch. Một biến thể của mũ Fez thường được đội ở Đông Nam Á từ thế kỷ 19 là chiếc mũ có màu đen, hình dạng elip và đôi khi được trang trí bằng các họa tiết thêu. Đặc biệt, ở Philippines mũ có xu hướng nhiều màu sắc và trang trí cầu kỳ hơn.

Đến nay, ở Ai Cập, sinh viên và học giả tại Trường Đại học al-Azhar hàng nghìn năm tuổi, cũng như các giáo sĩ Hồi giáo, có thể nói là đối tượng khách hàng duy nhất của ông Nasser Abdel Basset, vì mũ Fez đại diện cho một phần lịch sử Ai Cập liên quan đến của họ. "Miễn là al-Azhar còn, chúng tôi còn làm việc", ông Nasser Abdel Basset khẳng định.

Tùng Anh (Theo Cairo Daily)