Print

Mỗi năm 3,8 triệu người tử vong sớm vì bệnh tật do ô nhiễm không khí hộ gia đình

Thứ Năm, 21 /10/2021 11:18

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,6 tỷ người đang sử dụng bếp đốt bằng nhiên liệu rắn như gỗ, phân gia súc, chất thải cây trồng…, bếp dầu hỏa và bếp than đá (hầu hết những người này đều thuộc hộ nghèo, đang sinh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hay trung bình). Việc này dẫn đến ô nhiễm không khí hộ gia đình, dẫn đến một loạt các bệnh không lây nhiễm, như đột quỵ, thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư phổi.

Sử dụng bếp hay lò sưởi không đạt chuẩn không những không mang lại hiệu quả mà còn gây ô nhiễm không khí hộ gia đình. Ở mức độ cao, sẽ làm tổn hại sức khỏe, vì khói bụi xâm nhập sâu vào phổi. Đặc biệt gây nguy hiểm với người gia, phụ nữ và trẻ em, những người dành nhiều thời gian nhất ở gần bếp hay lò sưởi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có 3,8 triệu người tử vong sớm vì bệnh tật, nguyên nhân do ô nhiễm không khí hộ gia đình; trong đó, 27% là do viêm phổi, 18% do đột quỵ, 27% do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 20% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và 8% do ung thư phổi. Riêng về ung thư phổi, khoảng 17% trường hợp tử vong do ung thư phổi ở người lớn là do tiếp xúc với chất gây ung thư từ ô nhiễm không khí hộ gia đình do nấu ăn bằng dầu hỏa hoặc nhiên liệu rắn, nguy cơ đối với phụ nữ cao hơn đàn ông, do họ thường đảm nhận vai trò nội trợ trong gia đình.

Ngoài ra, các vật chất dạng hạt nhỏ và chất ô nhiễm khác trong khói bếp cũng làm viêm đường hô hấp/phổi, suy giảm phản ứng miễn dịch, giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Cũng có bằng chứng về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí hộ gia đình với trẻ nhẹ cân, các bệnh lao, đục thủy tinh thể, ung thư vòm họng và thanh quản. Tỷ lệ tử vong do thiếu máu cơ tim và đột quỵ cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc.

Tác động đến sự bình đẳng trong y tế, phát triển và biến đổi khí hậu

Nếu không có thay đổi chính sách đáng kể, tổng số người không có khả năng tiếp cận với nhiên liệu sạch và công nghệ sẽ không thay đổi nhiều vào năm 2030, dẫn đến cản trở việc đạt được Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.

Việc thu gom nhiên liệu rắn làm tăng nguy cơ tổn thương cơ xương, tiêu tốn thời gian đáng kể cho phụ nữ, trẻ em, hạn chế các hoạt động sản xuất khác (chẳng hạn như tạo thu nhập) và khiến trẻ em phải nghỉ học. Trong những môi trường kém an toàn, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị thương tích và bạo lực trong quá trình thu thập nhiên liệu.

Các-bon đen (hạt muội) và khí metan thải ra từ bếp/lò sưởi không đạt chuẩn gây ô nhiễm không khí mạnh mẽ.

Nhiều loại nhiên liệu và công nghệ được hộ gia đình sử dụng để đun nấu, sưởi ấm và thắp sáng có nguy cơ mất an toàn. Việc uống phải dầu hỏa là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ ngộ độc ở trẻ em. Phần lớn các ca bỏng và thương tích nặng xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có liên quan đến việc sử dụng năng lượng để nấu nướng, sưởi ấm và thắp sáng.

Việc 1 tỷ người chưa được bao phủ điện, phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng, khiến hộ gia đình tiếp xúc mức độ rất cao với hạt mịn. Việc sử dụng nhiên liệu chiếu sáng gây ô nhiễm gây ra các nguy cơ sức khỏe khác như bỏng, thương tích, ngộ độc và hạn chế các cơ hội phát triển và sức khỏe khác (chẳng hạn như học tập hoặc tham gia vào các ngành nghề thủ công nhỏ, đòi hỏi ánh sáng đầy đủ).

Hành động của WHO

Hiện cơ sở dữ liệu về ô nhiễm không khí hộ gia đình của WHO được tập hợp dữ liệu từ hơn 1.100 cuộc khảo sát tại 157 quốc gia. Cơ sở dữ liệu này được dùng làm nền tảng để theo dõi tiến độ nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng sạch của người dân và thống kê các tác động liên quan đến sức khỏe. Vào tháng 5/2015, Đại hội đồng Y tế Thế giới nhất trí thông qua 1 nghị quyết về ô nhiễm không khí và sức khỏe, kêu gọi các quốc gia lồng ghép vấn đề sức khỏe vào các chính sách liên quan đến ô nhiễm không khí của quốc gia, khu vực và địa phương.

WHO cũng đang nỗ lực tích hợp những hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ năng lượng sạch cho hộ gia đình vào sáng kiến ​​y tế toàn cầu, cũng như công cụ hỗ trợ ra quyết định như Kế hoạch Hành động toàn cầu về bệnh viêm phổi và bệnh tiêu chảy (GAPPD) hoặc Chiến lược sức khỏe toàn cầu cho phụ nữ và trẻ em. Nhấn mạnh về mối quan hệ của sức khỏe với ô nhiễm không khí hộ gia đình trên một loạt các diễn đàn toàn cầu, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lượng sạch đối với hộ gia đình như một biện pháp sức khỏe cộng đồng dự phòng cốt lõi. Bên cạnh đó, hỗ trợ sáng kiến ​​quốc tế nhằm cải thiện ô nhiễm không khí và các tác động liên quan đến sức khỏe như Liên minh Toàn cầu về Bếp sạch, Liên minh Không khí sạch và biến đổi khí hậu.

Tùng Anh (Theo WHO)