Print

Singapore: Thí điểm biến rác thải thực phẩm thành năng lượng và phân bón

Thứ Hai, 22 /11/2021 16:49

Năng lượng được tạo ra từ quá trình xử lý rác thải thực phẩm đủ để vận hành 2 trạm sạc điện thoại di động và 31 chiếc quạt treo tường tại Làng Ẩm thực East Coast Lagoon (Singapore).

Một dự án thí điểm biến rác thải thực phẩm thành năng lượng và phân bón đã được Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore (NParks), Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) và Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) khởi động tại Làng Ẩm thực East Coast Lagoon. Theo đó, rác thải thực phẩm được xử lý để tạo ra khí sinh học và phân bón sinh học; từ đó, chuyển đổi thành năng lượng vận hành 2 trạm sạc điện thoại di động và 31 chiếc quạt treo tường. Còn phân bón sinh học sẽ sử dụng để chăm bón cho Công viên East Coast (East Coast Park), rộng khoảng 185ha.

Dự án được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Điểm đặc biệt là hệ thống tiếp nhận rác thải thực phẩm có khả năng phân loại luôn tại nguồn, chỉ thu gom trái cây, rau củ, thức ăn quá hạn từ các quầy hàng và thực phẩm thừa/còn sót lại trên bàn ăn. Vi sinh- một loại vi sinh vật- sau đó sẽ “ăn” rác thải thực phẩm, tạo ra khí sinh học giàu metan và phân bón sinh học chứa nhiều chất dinh dưỡng. Hệ thống bắt đầu hoạt động cách đây khoảng một tuần rưỡi và hiện tại chưa ấn định thời điểm kết thúc kế hoạch thử nghiệm.

Khoảng một nửa lượng rác thải thực phẩm của Singapore chưa được tái sử dụng và nhiều cơ sở khoa học, DN đang nghiên cứu, áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu lãng phí. Đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: “Công nghệ dễ vận hành và mang lại hiệu quả cao. Hiện từ rác thải thực phẩm có thể tạo ra nhiệt năng, phân bón và điện năng, đủ để vận hành máy móc. Làng Ẩm thực East Coast Lagoon được chúng tôi chọn để thử nghiệm vì có không gian bên cạnh các kios bán hàng để lắp đặt hệ thống. Khoảng 60 kios ở đây tạo ra khoảng 150kg rác thải thực phẩm hằng ngày. Trước khi có hệ thống của chúng tôi, việc xử lý rác thải thực phẩm tại chỗ chỉ là đem đi thiêu hủy, gây lãng phí và không có tác dụng bảo vệ môi trường”.

Để hỗ trợ việc phân loại rác thải thực phẩm, Dự án cung cấp cho các kios những thùng rác có nắp đậy. Rác thải thực phẩm sau đó tập trung vào 5 bồn rác thông minh, có gắn thiết bị thống kê và lưu trữ dữ liệu về số lượng chất thải được phân loại riêng từ mỗi người dùng. Áp phích, tờ rơi được cung cấp để nhắc nhở thực khách trả lại khay nhựa, bát đĩa đã qua sử dụng, đồng thời, khuyến khích các kios tự giác phân loại rác thải thực phẩm ngay từ khởi đầu. Năm ngoái, rác thải thực phẩm chiếm khoảng 11% tổng lượng rác thải ở Singapore; tuy nhiên, chỉ có 19% rác thải thực phẩm được tái chế, phần còn lại được xử lý tại các nhà máy đốt rác.

Tùng Anh (Theo Today Online)