Print

4 chương trình xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ của EPII

Thứ Ba, 23 /11/2021 14:51

Từ năm 2005 đến 2006, có 640 triệu người trải qua tình trạng nghèo đa chiều ở Ấn Độ. Nghèo đa chiều có nghĩa là người dân không chỉ thiếu thốn về tài chính mà còn thiếu thốn nước sạch, điện, cơ hội tiếp cận với y tế và giáo dục. Đến năm 2017, con số đó đã giảm xuống còn 365 triệu, như vậy, giảm 271 triệu. Tháng 7/2019, 99,45% dân số được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản- đây là bước tiến lớn so với mức 40% trong những năm trước đó, tất cả đều nhờ quá trình xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ.

Giảm nghèo ở Ấn Độ (End Poverty in India, EPII) là tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 2009 với mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ. Trong đó, đối tượng hướng tới là tập trung giúp đỡ trẻ em gái thất học, phụ nữ nghèo, nông dân không có đất, thợ thủ công truyền thống… và các đối tượng yếm thế trong xã hội khác. Hiện tại, phạm vi hoạt động của EPII lan tỏa ở các bang Rajasthan, Haryana, Karnataka, Madhya Pradesh, Jharkhand và Delhi, với 4 lĩnh vực chính: Hỗ trợ tạo sinh kế bền vững; giáo dục trẻ em gái; phát triển nông thôn và phát triển xã hội dân sự.

Tạo sinh kế bền vững

Tạo sinh kế bền vững mang lại cơ hội bình đẳng cho những người ít có đặc quyền trong xã hội, vì vậy, EPII giúp các đối tượng nghèo xây dựng sinh kế bền vững, dựa vào tự lực là chính, hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài. Một số hình thức hỗ trợ EPII sử dụng là hỗ trợ người dân canh tác bền vững, phát triển chăn nuôi bò sữa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, các chương trình đào tạo kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp. Những thành tựu gần đây bao gồm trồng 5.759 cây non ở Ấn Độ trong 2 năm 2019-2020, nâng tổng số cây non đã trồng lên 41.579 cây kể từ khi Chương trình bắt đầu.

Giáo dục trẻ em gái

Giáo dục là một quyền hiến định ở Ấn Độ nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ thường kém hơn nam giới. Ví dụ, ở Tijara, Rajasthan, tỷ lệ biết chữ ở nữ giới chỉ là 38,88% so với 75,01% ở nam giới. Do đó, một trong những thành tựu của EPII là Kishori Shiksha (KSP)- chương trình giáo dục cấp tốc trong 1 năm dành cho trẻ em gái vị thành niên đang trong tình trạng thất học, giúp 304 học sinh mới nhập học và 126 nữ sinh có thể hoàn thành các lớp học xóa mù chữ. KSP còn cung cấp cho phụ nữ địa phương một số khóa học về tập huấn phương pháp giảng dạy và hình thức lưu trữ hồ sơ. Bên cạnh đó, cung cấp tài liệu học tập cho cả giáo viên, học sinh.

Phát triển nông thôn

Điều tra dân số năm 2011 cho thấy 68,84% dân số Ấn Độ sống ở các làng quê nông thôn. Trong vài thập kỷ qua, rất nhiều cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ, tổ chức, đoàn thể khác nhau đã chung tay để giảm bớt những vấn đề tồn tại ở các cộng đồng nông thôn, bao gồm cả EPII. Theo Chương trình Phát triển nông thôn ở Tijara, EPII thành lập Nhóm Phát triển Làng (VDG), có vai trò là điều phối viên tiếp cận các kế hoạch của Chính phủ, hỗ trợ phát triển nông thôn, đề xuất các dự án dựa trên nhu cầu của khu vực nông thôn và theo dõi, giám sát các dự án được phê duyệt cho đến khi hoàn thành. Các thành tựu bao gồm mở 147 tài khoản ngân hàng mới, lắp đặt 45 máy bơm tay và cung cấp cho 160 gia đình trên khắp 19 ngôi làng hệ thống đèn Led chạy bằng năng lượng mặt trời.

Phát triển xã hội dân sự

Trong văn hóa Ấn Độ, ý tưởng về tổ chức xã hội dân sự là vô cùng quan trọng và là lý do chính cho sự gia tăng các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức xã hội dân sự đã và đang đóng góp vào công cuộc đảm bảo ASXH của nhiều cộng đồng ở Ấn Độ. Tuy nhiên, các tổ chức này đa phần vẫn phải vật lộn với một số vấn đề cơ bản như thiếu kinh phí, thiếu quy hoạch và sự thừa nhận của xã hội. Do đó, EPII tạo ra Chương trình N/Core, giúp các tổ chức phi lợi nhuận giai đoạn đầu tập trung vào xóa đói giảm nghèo. Các cố vấn của Chương trình N/Core làm việc với người đứng đầu xã hội dân sự mới để đẩy nhanh tiến độ và tư vấn giúp họ tạo ra mô hình thích ứng để phát triển nguồn quỹ vững chắc, tạo nền tảng cho hoạt động hỗ trợ sau này.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã xóa đói giảm nghèo đáng kể, song quốc gia này còn nhiều việc phải làm. EPII hy vọng, 4 chương trình của tổ chức sẽ tiếp tục tạo ra sự khác biệt đáng kể và mang đến cho người dân cơ hội có được cuộc sống tốt hơn.

Tùng Anh (Theo Trystin Baker)