Print

Sửa đổi chính sách BHXH để gần với thực tế

Thứ Tư, 24 /11/2021 09:09

Đây là khẳng định của ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước tình trạng một bộ phận NLĐ tự rời bỏ hệ thống BHXH.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, số liệu BHXH Việt Nam mới công bố về tình hình nhận BHXH một lần của NLĐ trong năm 2021 đang làm vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ cũng như mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện ASXH cho toàn dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ chọn hưởng BHXH một lần. Trước tiên là đời sống của NLĐ còn nhiều khó khăn. Tình trạng “ráo mồ hôi là hết tiền” luôn thường trực với NLĐ và gia đình họ. Khi buộc phải nghỉ việc, hầu hết NLĐ buộc phải lựa chọn hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đặc biệt trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN, cơ sở kinh doanh cắt giảm nhân công hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Chính điều này khiến một bộ phận NLĐ bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập. Nhiều NLĐ mong có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống nên đã chọn hưởng BHXH một lần.

Cũng theo ông Hiểu, việc NLĐ nhận BHXH một lần có thể giúp họ giải quyết được một số khó khăn trước mắt nhưng cũng đồng nghĩa với việc lao động đã đánh mất cơ hội an sinh của tuổi già. Cụ thể, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu; tự tước đi tầng ASXH về các quyền lợi liên quan đến KCB BHYT và tử tuất.

Thực tiễn cho thấy, nhiều người đã nhận BHXH một lần, sau đó muốn nộp lại tiền để được phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không thể thực hiện được. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng BH hưu trí và tử tuất là 22% mức tiền lương tháng, trong đó NLĐ đóng 8% và người SDLĐ đóng 14%. Điều này có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần, NLĐ chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH.

Như vậy, NLĐ mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH một lần trong cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi nhận BHXH một lần sẽ thấp hơn so với hưởng lương hưu hàng tháng. Bên cạnh đó, tình trạng số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng còn đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo ASXH và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28- NQ/TW là “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ” và “hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.

Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi NLĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an nhiên, chủ động cuộc sống bên con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe bản thân trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn được như vậy, NLĐ hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, NLĐ có quyền bảo lưu, sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già. “Việc sửa đổi Luật BHXH tới đây cần được tiến hành đồng bộ, toàn diện và “trọn gói” bởi chế độ BHXH một lần có liên quan chặt chẽ đến các chính sách khác của BHXH, nhất là chế độ hưu trí. Cùng với đó, hệ thống BHXH cần được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; cần tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để NLĐ có thể tiếp cận và thụ hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH…”- ông Hiểu đề xuất.

Nguyệt Hà