Print

Lãng phí thực phẩm gây thiệt hại 1.000 tỷ USD/năm

Thứ Tư, 24 /11/2021 17:40

Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhận định, bên cạnh đại dịch Covid-19, thế giới đang trong đại dịch lãng phí thực phẩm. Cụ thể, thế giới lãng phí khoảng 17% tổng lượng lương thực cung cấp cho con người. Trong đó, hộ gia đình đóng góp 61% vào tổng lượng rác thải thực phẩm, ngành dịch vụ ẩm thực 26% và ngành bán lẻ 13%. Lượng thực phẩm này có thể giúp nuôi sống 690 triệu công dân toàn cầu bị suy dinh dưỡng.

Tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm đến nay vẫn tồn tại vì nhiều lý do khác nhau.

Thông thường, một hộ gia đình trung bình lãng phí khoảng 74 kg thực phẩm/người/năm. Lãng phí thực phẩm là nguyên nhân gây thiệt hại 1.000 tỷ USD/năm cho thế giới. Lãng phí thực phẩm xảy ra ở tất cả các quốc gia, không chỉ các quốc gia có thu nhập thấp như quan niệm chung. Trên thực tế, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 1,2 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm. Các quốc gia có thu nhập trung bình và cao chiếm 58% lượng rác thải thực phẩm nông nghiệp. Quan ngại trước những số liệu thống kê này, thế giới đang tìm nhiều phương pháp để giảm lãng phí và làm cho thực phẩm có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, nhất là những người yếm thế trong xã hội.

Phản ứng của thế giới

Nhiều liên minh và chiến dịch đang nổi lên để giải quyết cuộc khủng hoảng lãng phí thực phẩm của thế giới. Năm 2013, UNEP bắt đầu chiến dịch nâng cao nhận thức về rác thải thực phẩm Think Eat Save. Hiện UNEP đang thực hiện Nhóm công tác về rác thải thực phẩm khu vực ở Châu Phi, Châu Á Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh, Caribe và Tây Á để chia sẻ những ý tưởng và phát hiện liên quan đến rác thải thực phẩm trong một mạng lưới ngang hàng nhằm giảm lãng phí thực phẩm giữa các quốc gia.

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thể hiện quan điểm chống lãng phí thực phẩm bằng cách đầu tư 60 triệu USD trong vòng 5 năm tới để nghiên cứu giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Tháng 9/2021, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng thông báo: “Hoa Kỳ đã tham gia Food is Never Waste Coalition- Liên minh toàn cầu về Thất thoát và lãng phí lương thực. Liên minh đặt mục tiêu giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí vào năm 2030 và giảm thất thoát thực phẩm ít nhất 25%. Tôn chỉ của Liên minh là góp phần hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững 12.3 của LHQ về giảm thiểu lãng phí và thất thoát thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành bán lẻ.

Cụm giải pháp “Lương thực không bao giờ được lãng phí”

Hồi tháng 9/2021, Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về Hệ thống Lương thực, thực phẩm (UNFSS 2021) do Tổng Thư ký LHQ António Guterres chủ trì tổ chức nhân dịp Khóa họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ. Tại Hội nghị, Cụm giải pháp “Lương thực không bao giờ được lãng phí” (Food is never waste) được đề ra như một nỗ lực nhằm hỗ trợ các quốc gia trên toàn cầu giảm 50% mức độ lãng phí lương thực vào năm 2030. Các thành viên bao gồm các nhóm G7, G20 và hơn 30 quốc gia thành viên, các nhóm học thuật, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan của LHQ và các nhóm khu vực tư nhân. Thu hút từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ, năng lượng và giáo dục, Cụm giải pháp “Lương thực không bao giờ được lãng phí” sử dụng quan hệ đối tác công tư (PPP). PPP cho phép xem xét các chuỗi cung ứng thực phẩm và can thiệp từ nhiều góc độ. Ở Na Uy, chiến lược PPP đã giúp các nhà sản xuất giảm thiểu lượng rác thải thực phẩm xuống 15% trong thời gian chỉ 3 năm.

Cụm giải pháp “Lương thực không bao giờ được lãng phí” tiến hành nghiên cứu, chia sẻ kiến ​​thức về các phương pháp giảm thiểu rác thải thực phẩm và đầu tư vào việc giảm thất thoát thực phẩm. Các quốc gia thành viên được hưởng lợi khi tham gia Cụm giải pháp, ví dụ, đầu tư vào giảm lãng phí thực phẩm tạo ra cơ hội kinh doanh cho nông dân địa phương và phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp. Cụm giải pháp cũng cung cấp một nền tảng hợp tác giữa các quốc gia bằng cách chia sẻ kiến ​​thức về các chiến lược và nghiên cứu rác thải thực phẩm; thông qua nỗ lực cấp cơ sở, sự tham gia và nghiên cứu của khu vực tư nhân, Cụm giải pháp tìm cách cải thiện thất thoát thực phẩm. Ngoài ra, Cụm khuyến khích quyên góp lương thực, thực phẩm dư thừa giữa các quốc gia thành viên để hỗ trợ những người có nhu cầu.

Tùng Anh (Theo Dana Gil)