Print

Phòng, chống dịch gắn với đảm bảo ASXH

Thứ Sáu, 26 /11/2021 10:28

TP.Thủ Đức (TP.HCM) đạt nhiều kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Địa phương đã quản lý tốt tình hình di chuyển dân cư trên địa bàn trong thời gian xảy ra dịch bệnh, thực hiện các mô hình ASXH, chia sẻ yêu thương để người dân cùng chung tay chính quyền vượt qua khó khăn giai đoạn dịch bệnh.

Đó là ghi nhận của Đoàn Giám sát HĐND TP.HCM trong buổi làm việc với UBND TP.Thủ Đức, về việc giám sát triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch và một số chế độ chính sách về ASXH hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch bệnh vào chiều 25/11.

Theo ghi nhận thực tế, nhiều người dân cùng công nhân lao động trên địa bàn TP.Thủ Đức không khỏi vui mừng phấn khởi khi được Đoàn Giám sát HĐND TP.HCM đến thăm hỏi động viên sau dịch bệnh. Cũng tại đây, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM, Trưởng Đoàn Giám sát, đã gửi cảm ơn đến tất cả người dân cùng công nhân lao động đã chung tay đồng hành cùng chính quyền TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới để tiếp tục làm việc ổn định đời sống.

Báo cáo về các chính sách ASXH hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian xảy ra dịch bệnh, đại diện Phòng LĐ-TB&XH TP.Thủ Đức cho biết, ngay khi TP.HCM có chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND TP.Thủ Đức đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, phòng ban có liên quan, đặc biệt trong đó là lãnh đạo của 34 phường. Theo đó, đã triển khai, hướng dẫn đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH cũng như chỉ đạo của các sở ngành liên quan và Thành ủy. Bên cạnh đó, UBND TP.Thủ Đức cũng đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH TP trực tiếp phân công điều động cán bộ trực tiếp đến từng phường hỗ trợ, hướng dẫn các phường thực hiện lập danh sách, thẩm định hồ sơ cũng như hướng dẫn cài đặt sử dụng phần mềm kiểm tra, dò trùng danh sách để hạn chế thấp nhất việc chi trùng, chi không đúng đối tượng.

Song song đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội TP.Thủ Đức còn thực hiện tuyên truyền các mô hình phòng, chống dịch Covid-19 và chính sách hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch bệnh đến tất cả hội viên trên địa bàn. Cụ thể, vận động chủ nhà trọ trên địa bàn giảm tiền thuê trọ cho công nhân lao động đang tạm dừng việc, mất việc... Đặc biệt là vận động người dân trên địa bàn có điều kiện “nhường tiền hỗ trợ” cho công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh hết sức đặc biệt khó khăn, để vượt qua giai đoạn trước mắt và mô hình này đã được người dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ. Từ những mô hình này, người dân đã góp phần chung tay cùng Chính quyền TP.Thủ Đức mang lại những thành công nhất định trong công tác đảm bảo ASXH trên địa bàn và được Đoàn giám sát HĐND TPHCM đánh giá cao trong công tác chi trả hỗ trợ.

Đoàn Giám sát HĐND TP.HCM ghi nhận ý kiến người dân ở TP.Thủ Đức

Theo UBND TP.Thủ Đức, ở gói hỗ trợ đợt 1, địa phương đã hỗ trợ cho hơn 49.931 người lao động tự do; 31.358 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương... Ở gói hỗ trợ số 2, TP.Thủ Đức hỗ trợ cho 94.041 lượt NLĐ tự do. Đợt 2, địa phương chi hỗ trợ cho 191.414 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đợt 3, chi hỗ trợ cho 965.506/969.890 người (tổng số nhân khẩu của TP.Thủ Đức là hơn 1,27 triệu người), còn lại 4.384 người chưa chi là do đang bị cách ly, điều trị bệnh, bảo trợ xã hội...  Riêng chính sách hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 12, tính đến ngày 24/11, TP.Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho 6.725/7.025 người, còn lại 300 người chưa chi do chờ cung cấp số tài khoản ngân hàng và danh sách cụ thể.

Đại diện Đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Đạt- Phó Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cũng lưu ý, với trách nhiệm vai trò của công an khu vực quản lý địa bàn, trong thời gian tới mong rằng các cán bộ cũng hướng dẫn cặn kẽ và tạo điều kiện hết sức có thể để người dân cùng công nhân lao động được đăng ký tạm trú khi thuê trọ. Từ đây cũng giúp quản lý dễ dàng hơn về dân cư ở địa bàn mình.

Báo cáo các vấn đề liên quan đến thắc mắc của Đoàn, ông Nguyễn Kỳ Phùng- Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, đặc thù phường Bình Chiểu là địa phương giáp ranh với tỉnh Bình Dương (cụ thể là giáp với TP.Thuận An và TP.Dĩ An) nên việc biến động dân cư qua lại giữa hai nơi rất lớn, nên vấn đề giám sát quản lý di chuyển dân cư rất khó khăn trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Theo số liệu thống kê, hiện phường có khoảng 85.000 dân, trong đó số người dân tạm trú chiếm 2/3 tổng số dân. Cùng với đó, số lượng công nhân lao động cũng rất lớn khoảng 100.000 công nhân chủ yếu tập trung ở các KCX Linh Trung, Khu CNC. Chưa kể, trên địa TP.Thủ Đức còn có gần 1.000 DN vừa và nhỏ với quy mô khoảng 200 lao động phổ thông/DN.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của người dân cùng chính quyền TP.Thủ Đức, trong đó nổi bậc nhất chính là công tác triển khai thực hiện chi trả hỗ trợ các gói an sinh. Đặc biệt là hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch cùng người dân, công nhân lao động gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09, Nghị quyết 12 và Nghị quyết 97 của HĐND Thành phố. “Qua đây, Đoàn cũng sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của TP.Thủ Đức về các chế độ, chính sách mà địa phương gặp khó khăn trong thời gian chống dịch để báo cáo Thành phố kịp thời có những giải pháp tháo gỡ hỗ trợ cho địa phương trong thời gian sớm nhất”- ông Thắng nói.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng đoàn Giám sát HĐND TP.HCM thăm hỏi, ghi nhận ý kiến người dân

Tổng kết buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM, Trưởng Đoàn giám sát, ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng dịch gắn với đảm bảo ASXH trên địa bàn Thủ Đức. Trong đó, có mô hình “nhường tiền hỗ trợ” cho những hoàn cảnh thật sự khó khăn hơn trên địa bàn của chính quyền TP.Thủ Đức. Lãnh đạo của 34 phường cùng Tổ trưởng khu phố đã ngày đêm vất vả “sát cánh cùng nhau” trực tiếp len lỏi đến từng hẻm sâu, từng nhà dân, từng khu trọ… để tuyên truyền các chính sách về công tác chăm lo an sinh cho người dân. Đồng thời, qua đó cũng vận động mọi người hưởng ứng tinh thần chia sẻ yêu thương với công nhân lao động nghèo đang làm việc tại các KCX- KCN. Cùng với đó, đề nghị TP.Thủ Đức tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và kết thúc sớm các gói hỗ trợ để tập trung vào công tác phát triển kinh tế xã hội chung của Thành phố trong thời gian tới.

“Đây là mô hình hết sức nhân văn và mang nhiều nghĩa cử cao đẹp, đã thể hiện được truyền thống “nhường cơm sẻ áo” của dân tộc ta khi ở thời điểm khó khăn nhất và mô hình này cũng đạt nhiều hiệu quả nhất định khi các quận huyện khác của Thành phố áp dụng lan tỏa trong suốt thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.”- ông Bình nhấn mạnh.

Đăng Khoa