Print

Thể dục, thể thao quá sức: Những trường hợp tử vong đáng tiếc trong vận động và thi đấu

Thứ Sáu, 26 /11/2021 20:45

Luis Miguel Lastra (cầu thủ Tây Ban Nha, 21 tuổi) ngã xuống khi đang luyện tập và đã chết vì bệnh tim. Trước đó, cựu đội trưởng Espanyol Daniel Jarque và cựu cầu thủ Sevilla Antonio cũng lìa đời vì bệnh lý tương tự... Đây là cảnh báo cho tình trạng tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) quá mức và thiếu khoa học.

Tại Việt Nam, vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân T. chết ngay trên đường đua giải tiền SEA Games 22 vì trụy tim. Hay đội trưởng CLB hạng nhì Quân khu 4- Trần Nam Tr. (sinh năm 1974) bất ngờ ngất lịm, đột quỵ ngay khi tập luyện trên sân bóng. Cầu thủ bóng rổ Diệp Phước L. (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng bị đột quỵ khi đang thi đấu tranh cúp vì nhồi máu cơ tim. Năm 2019, trên đường chạy marathon tại TP.HCM, chàng trai 23 tuổi Võ Văn Th. (Bình Thuận) cũng ra đi mãi mãi khi chưa kịp kết thúc đường chạy do đột quỵ.

Trên đây là một số ví dụ đau xót về các trường hợp tử vong ngay khi đang thi đấu cấp quốc tế hoặc giải quốc gia nên được báo chí thông tin; còn rất nhiều trường hợp tai nạn, chấn thương, tử vong do tập luyện TDTT quá sức trong cuộc sống thường ngày có lẽ không thể kể hết được. Hàng xóm của người viết bài này là một sĩ quan quân đội cũng bị đột tử tại đơn vị ngay trong giờ tập thể dục chạy bộ buổi sáng. Con trai của một cô giáo trường làng mới 17 tuổi tử vong vào một buổi chiều khi cháu đang chơi đá bóng…

Trước hết phải coi các môn TDTT là môn học kỹ năng, cần phải có phương pháp tập luyện khoa học, phù hợp với từng đối tượng. Các môn TDTT khác với các hoạt động bình thường của con người như hít thở, đi, chạy, nhảy, bơi… để sinh tồn trong cuộc sống. TDTT đôi khi là những cuộc tranh đấu mang tính chất thương mại (để quảng cáo, ganh đua, biểu dương sức mạnh vượt trội, giải thưởng…). Một người bình thường sẽ thở khoảng 20 lần/phút. Do đó, nếu vận động quá mạnh liên tục, hơi thở sẽ tăng nhanh chóng, có thể lên tới 120 lần/phút. Lúc này huyết áp, nhịp tim sẽ tăng. Và, nếu nhịp độ này duy trì thường xuyên trong thời gian dài, sẽ gây hại đáng kể lên cơ thể của bạn.

Thực ra, thuật dưỡng sinh đã chỉ ra rằng, muốn khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ, phải kéo hơi thở dài ra, hít sâu, số lần ít đi và càng nhẹ nhàng càng tốt. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng hãy xem con gà, con vịt một phút thở 240 lần nên chỉ sống được tối đa 8 năm, con chó hay con mèo một phút thở 120 lần nên sống được 12 năm, con người một phút thở 20 lần nên tuổi thọ khoảng 70 năm, con voi một phút thở 6 lần nên sống hơn 100 năm và con rùa 5 phút thở 1 lần nên sống đến hơn 200 năm…

Thể thao chính là loại hình vận động mạnh, chẳng hạn chạy, bơi vài chục km, đá bóng, chơi tennis liên tục… có thể ảnh hưởng không chỉ sức khỏe sinh sản, trí não, mà còn đến tuổi thọ. Khi vận động, cơ thể chúng ta cần nhiều năng lượng. Lúc này, trong cơ thể sản sinh ra nhiều oxy hoạt tính. Chúng ta vận động và nhận được những lợi ích của việc tập thể thao, nhưng đồng thời cũng bị tổn hại vì oxy hoạt tính. Thế nên, các vận động viên thường bị già đi nhanh chóng.

Trong số những người sống thọ đến mốc 100 tuổi, hầu như không có ai là vận động viên TDTT. Tất nhiên, chúng ta phải vận động hợp lý, không nên sống trì trệ, thụ động để có một thể chất mạnh khoẻ. Nhưng tập luyện TDTT một cách quá sức vì một mục tiêu thương mại hoặc tranh đấu rất có hại và không phải là yếu tố sinh tồn cần có của đời sống con người.

Vận động quá sức có hại thế nào?

Nhịp tim bất thường: Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, việc tập luyện những môn thể thao đòi hỏi sức bền thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng “ngộ độc tim”- những thay đổi vĩnh viễn ở cấu trúc cơ tim. Những thay đổi đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhịp tim bất thường và gia tăng nguy cơ đột quỵ do trụy tim. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra việc tập luyện TDTT quá mức có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hệ tim mạch, đặc biệt là ở những người có tiền sử gia đình mắc chứng nhịp tim bất thường.

Cortisole và cấu trúc xương: Cortisol là một loại hormone được tiết ra tại tuyến thượng thận trong quá trình bị áp lực về mặt thể chất. Hormone này kích thích sự sản sinh glucose mới tại gan, đồng thời hỗ trợ quá trình phân giải protein trong cơ diễn ra hiệu quả hơn. Về nguyên tắc, đây là điều hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh những bất lợi mà cortisol mang lại thậm chí còn vượt quá lợi ích của nó. Hiệu ứng ức chế miễn dịch của cortisol giúp làm giảm tình trạng viêm đỏ, sưng tấy nhưng lại khiến cho người sở hữu hàm lượng cortisol cao phải đối mặt với nguy cơ làm cho xương yếu đi. Do sự can thiệp của cortisol đến sức khỏe xương khớp, người vận động quá sức có thể phải đối mặt với nguy cơ gặp các bệnh về xương. Khi trong máu có sự xuất hiện của hormone cortisol, mô xương được tích lũy ít hơn so với mô xương bị phân hủy. Điều này khiến cho tình trạng rạn, nứt xương ở những người này cũng dễ xảy ra hơn. Mật độ xương giảm đi chắc chắn sẽ dẫn đến các bệnh lý về xương nghiêm trọng khác như viêm khớp, loãng xương. Chắc chắn đây sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người tập thể thao quá sức khi đã có tuổi.

Nguy cơ trầm cảm rối loạn tâm thần: Theo nghiên cứu, những người thường xuyên vận động quá sức có chỉ số sinh hóa tương đương với người mắc chứng trầm cảm mạn tính. Không chỉ tương đồng về sự biến đổi quá trình tiết trytophan và serotonin, mà cả người bị trầm cảm và người tập thể dục quá mức đều có những biểu hiện về hành vi giống nhau như dễ cáu gắt, mất ngủ, động lực kém.

ThS.Lê Quốc Thịnh