Print

Tỉnh Cao Bằng: Khởi sắc từ Nghị quyết 21-NQ/TW

Chủ nhật, 28 /11/2021 23:06

Sau 8 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tại tỉnh Cao Bằng; nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc đảm bảo an sinh xã hội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ…

Chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Cao Bằng, những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã xác định việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thống nhất và đồng bộ, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền cần được quan tâm đẩy mạnh. Công tác quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan BHXH ngày càng được củng cố, tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của các đơn vị SDLĐ có nhiều chuyển biến; công tác CCHC được thực hiện hiệu quả, đã thực hiện cắt giảm từ 115 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; cung cấp 18/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Việc giải quyết và chi trả các chế độ đảm bảo kịp thời, an toàn, đúng quy định với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng…

Đại lý thu BHXH tỉnh Cao Bằng hướng dẫn người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Cao Bằng cũng là một trong những địa phương nhiều năm liền hoàn thành sớm và vượt mức chỉ tiêu thu BHXH, BHYT được giao; hoàn thành sớm việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT; là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện cao nhất toàn quốc; tỷ lệ nợ giảm thấp hơn so với chỉ tiêu giảm nợ được giao và thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc từ 1-1,5%...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng cho biết, trong giai đoạn 2012- 2020, nhờ tích cực triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, người dân, NLĐ đối với chính sách BHXH, BHYT được nâng lên rõ rệt. “Nhiều cấp ủy, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia chính sách. Nhận thức của người dân ngày càng đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT đối với sự phát triển và ổn định chính trị- xã hội”- ông Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành đạt và vượt kế hoạch được giao, quy mô số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 48.807 người tham gia BHXH, chiếm 13,99% lực lượng lao động, tăng 13.515 người so với năm 2012; 26.823 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 7,69% lực lượng lao động, tăng 2.183 người so với năm 2012; 518.932 người tham gia BHYT, tăng 47.386 người so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ 97,4% dân số. Số người tham gia BHYT theo nhóm đối tượng cũng tăng dần theo các năm, trong đó nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình có 14.734 người…

Tăng cường công tác lãnh đạo

Nghị quyết 21-NQ/TW là chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của chính quyền các cấp cũng như người dân trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, đánh giá về những mặt tồn tại trong quá trình triển khai Nghị quyết, ông Triệu Đình Lê- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng cho rằng, hiện nay vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị, người dân thờ ơ, chưa chủ động tham gia và đưa chính sách vào cuộc.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số nơi cũng chưa thật sự quyết liệt thực hiện các biện pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; vẫn còn để sót đối tượng thuộc diện NSNN đóng, hỗ trợ đóng BHYT, nhất là các trường hợp nghỉ việc tại các DN đã trở về địa phương. Mặt khác, do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng, một số DN cho NLĐ nghỉ việc, tạm dừng hoặc dừng hoạt động; thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Theo ông Triệu Đình Lê, tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cũng như của mỗi DN và người dân. Vì vậy, để Nghị quyết 21-NQ/TW có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cũng vào cuộc một cách chủ động và kịp thời làm thay đổi hẳn nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân.

Xác định BHXH, BHYT đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; 100% người dân tham gia BHYT; khoảng 60% số người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT đạt mức 90%...

Để đạt những mục tiêu này, theo ông Triệu Đình Lê, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, trọng tâm là tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW và chính sách, pháp luật BHXH, BHYT bằng các hình thức phong phú, nội dung thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT; phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi chính sách BHXH, BHYT.

Thanh Hằng