Print

20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW: HTX phi nông nghiệp nhiều thành tựu

Thứ Năm, 09 /12/2021 11:44

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, trong 20 năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) và kinh tế Hợp tác xã (HTX) lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.

Thành quả từ sự nỗ lực

20 năm qua, các loại hình HTX trong lĩnh vực PNN phát triển và đạt nhiều thành tựu. Trong đó, lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh; tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX quy mô vừa và lớn gia tăng và đã tham gia xuất khẩu hàng hóa do ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Số HTX có hoạt động kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch Covid-19. Nhiều HTX đã mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.

Tính đến cuối năm 2021, cả nước đã có 9.316 HTX, 16 Liên hiệp HTX và 44.226 Tổ hợp tác, thu hút gần 3 triệu thành viên. Vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt từ 55% - 80%. HTX phi nông nghiệp tạo được sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động so với HTX nông nghiệp.

Liên minh HTX Việt Nam nhận định: So với tình hình chung cả nước, tổng số HTX, số lượng thành viên và lao động của HTX phi nông nghiệp tuy thấp hơn (chiếm 30%), nhưng lại đạt tỷ lệ cao hơn về vốn (58,5%), về tài sản (91,2%), về doanh thu (67,1%) và về lợi nhuận (51,3%). Đáng nói, thu nhập bình quân của NLĐ trong HTX phi nông nghiệp gấp 1,9 lần so với NLĐ trong HTX nông nghiệp.

Tiếp sức cho HTX phi nông nghiệp phục hồi, phát triển

Tuy nhiên, sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hiện nay cả nước có đến 90% HTX bị giảm doanh thu, thu nhập của NLĐ trong HTX cũng giảm mạnh. Đặc biệt, thu nhập của NLĐ trong HTX phi nông nghiệp giảm đến 78%.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX phi nông nghiệp hiện nay nổi lên 2 khó khăn cơ bản: Khó trong tiếp cận tín dụng và trong chi phí sản xuất đầu vào. Cụ thể, giá cước vận tải, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đã tăng đến 41% và các chi phí sản khác cũng tăng. Khoảng 51,4% lao động tạm dừng việc làm hoặc việc làm chưa đầy đủ so với trước dịch bệnh. Thu nhập của NLĐ giảm do đầu ra của sản phẩm hạn chế.

Đối với HTX nông nghiệp, do sức “cầu” giảm nên giá bán sản phẩm giảm, dẫn đến doanh thu giảm gần 30%. Từ đó, chi phí, áp lực trả nợ ngân hàng tăng. Còn những HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chịu tác động của chuỗi cung ứng, thị trường và khó tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP. Vận tải hành khách chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt… Chỉ số ít các HTX duy trì được chuỗi liên kết và có xu hướng phục hồi đó là những HTX sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap…

Trước những khó khăn trên, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề Phục hồi và phát triển bền vững tổ chức ngày 5/12 vừa qua, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã đề nghị: Cần tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng tiêm vắc-xin để làm cho NLD trong các HTX yên tâm, có định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất. Cùng với đó, cần phải thể chế hóa các chính sách hỗ trợ, kịp thời khắc phục những hạn chế trong công tác triển khai thực hiện chính sách. Bởi, hiện nay, các chính sách hỗ trợ chưa quy định rõ đối tượng HTX, liên minh HTX và NLĐ trong các đơn vị này, nên các địa phương khó thực hiện.

Liên quan đến vấn đề vốn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: Cần quan tâm đến tín dụng nội bộ; Quỹ Tín dụng nhân dân cho vay ngoài thành viên ở địa bàn nông thôn. Mở rộng cho vay tín chấp đối với những HTX tham gia chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị cần có chính sách miễn thuế thu nhập DN trong thời gian từ 3-5 năm cho các HTX và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thành viên góp vốn vào HTX. Qua đó, sẽ giúp các HTX tiếp tục huy động và thu hút thêm nhiều thành viên tham gia.

Ngoài ra, để giảm chi phí sản xuất, các Bộ, Ngành liên quan cần rà soát các chính sách nhằm giảm chi phí sản xuất như: Giống, phân bón, thức ăn gia súc… cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các HTX dễ tiếp cận nguồn lực đất đai cho sản xuất…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

Từ thực trạng trên, Liên minh HTX Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu cụ thể phát triển KTTT và kinh tế HTX phi nông nghiệp đến năm 2030.

Thứ nhất, số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN tăng trưởng từ 10% - 16%/năm; cả nước có khoảng 250.000 THT, 26.000 HTX, 70 LHHTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; thu hút hầu hết hộ cá thể ở nông thôn và khoảng 30% hộ cá thể thành thị tham gia HTX, THT lĩnh vực PNN;

Thứ hai, hầu hết cán bộ quản trị, điều hành HTX và ban kiểm soát HTX có trình độ đại học, cao đẳng; các thành viên và NLĐ được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề;

Thứ ba, có 60% số HTX, Liên hiệp HTX, có 40% số THT trong lĩnh vực PNN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản trị và sản xuất kinh doanh và có 50% số HTX, LHHTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ;

Thứ tư, vốn điều lệ và tổng tài sản của các THT, HTX, Liên hiệp HTX trong lĩnh vực PNN tăng bình quân 10% - 15%/năm;

Thứ năm, có 80% HTX hoạt động có hiệu quả;

Thứ sáu, xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

PV