Print

Ghép tế bào gốc điều trị ung thư: Niềm tin từ “thuốc” của con người

Thứ Năm, 27 /01/2022 11:54

Ung thư chỉ là một nhóm bệnh, không phải án tử. Bài viết này muốn có đôi lời nhắn nhủ đến cộng đồng về căn bệnh này, đồng hành cùng những người không may mắc bệnh và cả người nhà của họ để cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi căn bệnh đang ngày càng gia tăng với đời sống con người.

Nhiều người bệnh nhận được tin mình mắc ung thư là rụng rời chân tay, ăn không ngon ngủ không yên, nghĩ là mình sắp chết tới nơi rồi. Từ đó, tâm trí bị suy sụp, rối bời, không còn thiết tha gì nữa, kết quả là ra đi trong tâm thế đau khổ, không viên mãn... Lâu nay, trong y văn cũng như trong suy nghĩ của rất nhiều người, ung thư đồng nghĩa với cái chết. Nhưng, thực sự không phải tất cả đều như vậy.

Ảnh minh họa

Ung thư không phải là một bệnh duy nhất, thực ra đó là một nhóm bệnh, với hàng ngàn thể khác nhau và có thể chia thành hàng chục ngàn thể trong tương lai tùy theo sự phát triển của khoa học. Tức là, tùy theo loại ung thư, có loại ác tính nhiều, có loại ác tính ít, có loại giết người nhanh chóng, nhưng cũng có loại chung sống hoà bình với bệnh nhân hàng chục năm trời như một bệnh mãn tính.

Là bác sĩ chuyên ngành huyết học, riêng trong lĩnh vực ung thư máu, người viết bài này đã gặp vài bệnh nhân sống chung với ung thư bạch cầu (lơ-xê-mi cấp) từ 5 đến 10 năm mà thể trạng vẫn khá bình thường, dù lúc nào trong máu cũng có tế bào ung thư, tất nhiên số may mắn vậy cũng chỉ là rất ít. Đúng là, ung thư có những thể rất nặng, dù điều trị kiểu gì (với trình độ y học hiện tại), thì bệnh vẫn không lui và bệnh nhân sẽ tử vong sau vài tháng, nhưng cũng có những thể bệnh ung thư rất nhẹ mà người bệnh chỉ cần theo dõi mà không phải đánh hoá chất gì.

Việc dùng từ “hoá chất” có thể gây cho bệnh nhân sự sợ hãi về độc tính, nhưng thực chất đó là thuốc chống ung thư. Người ta gọi thế để phân biệt với xạ trị (chiếu tia) và phẫu thuật thôi. Tuy nhiên, vẫn phải viết “hoá chất” vì đó là quy ước. Có những thể ung thư đã có phương pháp điều trị “nhắm đích”, tức thuốc đánh trúng vào cơ chế gây bệnh, có thể giúp bệnh nhân kiểm soát ung thư như một bệnh mạn tính và sống thêm hàng chục năm...

Riêng trong lĩnh vực ung thư huyết học, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đã chứng minh được hiệu quả trong nhiều trường hợp. Đến nay, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 500 ca ghép tế bào gốc tạo máu, đem đến cơ hội hồi sinh cho biết bao bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính. Mà dù ung thư có ác tính, nhưng phải nói thật, nó sẽ còn là bệnh ác tính “lịch sự” chán. Thời gian từ khi phát hiện bệnh tới khi tử vong với những ung thư cực kỳ ác tính có khi vẫn còn lên tới vài tháng, và người bệnh cơ bản thường vẫn tỉnh táo. Nếu các bạn đã chứng kiến một bệnh nhân tử vong vì Covid-19, thì sẽ thấy nó giết người nhanh hơn nhiều, nhanh khủng khiếp!

Vậy nên, cứ bình tĩnh đã nhé! Hãy trao đổi cởi mở với bác sĩ về tiên lượng và lên kế hoạch cuộc đời cho những năm tháng dự kiến sắp tới. Sống thật ý nghĩa, vì đời người chỉ sống một lần thôi. “Đừng bao giờ bỏ cuộc, chỉ cần có hy vọng, chắc chắn sẽ có phép màu! Hãy cố gắng để được sống và được hạnh phúc!”.

Cấy ghép tế bào gốc trong chữa trị ung thư là một trong những phương pháp hiện đại sử dụng tế bào máu chưa trưởng thành có trong tủy xương và máu. Loại tế bào này được cấy ghép vào cơ thể người bệnh giúp phục hồi tế bào bị tổn thương và loại bỏ tế bào ung thư. Không phải ung thư nào cũng có thể chữa bằng phương pháp dùng tế bào gốc. Phương pháp này chỉ có vai trò trong điều trị một số loại ung thư (chủ yếu là ung thư hệ tạo máu) mà thôi. Khi chữa các loại ung thư này, việc điều trị bằng hóa chất và xạ trị không những tiêu diệt tế bào ung thư, mà còn vô tình giết chết các tế bào gốc trong tủy xương. Do đó, bệnh nhân cần kết hợp ghép tế bào gốc, hay còn gọi là ghép tủy, nhằm giúp phục hồi hay tạo mới các tế bào khỏe mạnh.

Tế bào gốc sử dụng trong liệu pháp ghép tế bào gốc có thể từ một trong 3 nguồn sau đây:
Tủy xương là mô chất lỏng xốp nằm ở chính giữa một số xương, có chức năng tạo ra các tế bào máu lưu thông trong cơ thể. Xương chậu (hông) là nơi có nhiều tủy nhất và chứa số lượng tế bào gốc khá lớn. Để lấy máu từ tủy xương, phải tiến hành thủ thuật giống như một cuộc mổ nhỏ. Tủy đã lấy ra sẽ được xử lý như: Lọc, lưu trữ trong một dung dịch đặc biệt, sau đó mang đi đông lạnh trước khi ghép vào bệnh nhân. Hiện nay, trong ghép tế bào gốc, người ta ít dùng phương pháp lấy tế bào gốc từ tủy xương.

Máu từ tĩnh mạch ngoại vi- thông thường, trong máu ngoại vi không có nhiều tế bào gốc. Tuy nhiên, có thể tiêm các chất giống như hoóc môn nhằm kích thích tăng trưởng tế bào một vài ngày trước khi tiến hành thu hoạch tế bào gốc, giúp tế bào gốc phát triển nhanh hơn, để có thể thu hoạch từ máu ngoại vi (việc thu hoạch này giống như lúc hiến máu, nhưng phải thông qua một máy chiết tách đặc biệt để lấy được tế bào gốc). Sau khi thu hoạch, tế bào gốc được xử lý, đếm số lượng tế bào và quyết định liệu có thể tiến hành ghép được hay không. Có khi cần thu hoạch nhiều lần để đủ số lượng tế bào gốc cần thiết. Trong quá trình ghép cho bệnh nhân, các tế bào gốc được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, tương tự như truyền máu.

Máu lấy từ nhau thai và dây rốn của trẻ sơ sinh là nguồn tế bào gốc mới để ghép dị sinh. Số lượng lớn tế bào gốc ở cuống rốn tuy nhỏ, nhưng có xu hướng nhân lên nhanh chóng. Song nguồn tế bào gốc này cho đến nay chỉ được thực hiện ở trẻ em vì số lượng tế bào không đủ để ghép cho một người trưởng thành. Nhiều mạng lưới ghép tế bào gốc đã xây dựng được các “ngân hàng” máu cuống rốn để có thể cung cấp cho các trường hợp cần dùng tế bào gốc cuống rốn (có khi là chính bản thân người dự trữ máu cuống rốn), cũng như “ngân hàng” dữ liệu về kiểu gen của những người hiến tặng (người cho) có kiểu gen phù hợp để khi cần có thể nhờ họ đến hiến tặng cho trường hợp cần ghép đồng loại.

Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.

Từ cách đây gần chục năm, kỹ thuật ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đã được thực hiện tại BV chuyên ngành huyết học, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân. Ngân hàng Tế bào gốc của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hiện đang lưu trữ trên 5.420 mẫu tế bào gốc máu dây rốn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và mang đến hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

BS.Lê Quốc Anh