Print

Lan tỏa BHXH tự nguyện- hành trình mở rộng "lưới an sinh"

Thứ Hai, 24 /01/2022 18:00

Bài 2

San sẻ yêu thương tại vùng đất U Minh

Duy trì bền vững, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, để không ai phải dừng đóng, ai cũng được tham gia thụ hưởng chính sách này của Nhà nước, nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau”... Theo Giám đốc BHXH huyện U Minh- ông Phan Văn Rí, những mục tiêu và sáng kiến trên chính là bí quyết để U Minh tiếp tục gặt hái thành công dù năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn.

Hạnh phúc “rơi” vào BHXH

Đặc biệt ấn tượng với những chia sẻ tâm huyết về phát triển BHXH tự nguyện của ông Phan Văn Rí- Giám đốc BHXH huyện U Minh (Cà Mau) tại Đại hội Thi đua ngành BHXH lần thứ V (tháng 10/2020), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh giá: “Làm việc mà nhiệt huyết như đồng chí Giám đốc BHXH huyện U Minh thì chính sách này thành công mấy hồi...”.

Ông Phan Văn Rí hướng dẫn người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

Kết thúc năm 2021, U Minh tăng số người tham gia BHXH tự nguyện lên 4.009 người, đạt 111,82% so với kế hoạch giao (tăng 1.201 người, tăng 110,47% kế hoạch giao so với cùng kỳ năm 2020). Ngay từ năm 2020, U Minh cũng là đơn vị có thành tích vượt trội với 2.808 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 102,39% kế hoạch tỉnh giao, tăng 1.352 người so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, cũng trong năm 2020, trên “đà” phát triển, BHXH huyện U Minh đã chủ động đề nghị BHXH tỉnh Cà Mau giao bổ sung thêm 400 chỉ tiêu, với mong muốn góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao… Đó là những con số “nổi bật” giữa bộn bề những khó khăn của toàn ngành BHXH Việt Nam trong suốt 2 năm vừa qua…

Bản thân Giám đốc BHXH huyện U Minh- ông Phan Văn Rí cũng là nhân vật “nổi bật” với 2 sáng kiến cấp Ngành về phát triển đối tượng tham gia BHXH được công nhận. Do đó, không chỉ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Ngành, mà ông Rí còn vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba giai đoạn 2013-2020 cho những cống hiến cho sự nghiệp an sinh xã hội. Từ sáng kiến “Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện U Minh”, đến sáng kiến “Giải pháp duy trì bền vững, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”, nhiệt huyết của người cán bộ BHXH say mê với sự nghiệp an sinh xã hội này đã giúp BHXH huyện U Minh từ năm 2019 đến nay luôn duy trì thành tích hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về phát triển BHXH tự nguyện.

Nhiều đồng nghiệp của ông Phan Văn Rí vẫn thường nói vui: “Ai gặp chú Rí là không thể không... rơi tiền”. Nghe vậy, ông Rí cười sảng khoái: “Rơi đâu chứ vào chính sách BHXH là phải chúc mừng cho họ, còn mình không vận động được người ta tham gia BHXH là mình có lỗi với nhân dân nghe”. Vô cùng tâm đắc với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, ông Rí giải thích: Mục tiêu này rất phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Ngành- cơ quan có nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội là phục vụ nhân dân. “Phụng sự” sẽ không dừng lại ở một khẩu hiệu thi đua, mà cần “ngấm” vào tinh thần của từng CCVC làm chính sách.

Cũng bởi vậy, có lần, một người đàn ông giận dữ xông vào phòng làm việc của ông Rí chất vấn về việc thông tin trên thẻ BHYT bị in sai, khi bước ra lại vui phơi phới, trên tay còn có thêm 2 cuốn sổ BHXH tự nguyện vừa đăng ký tham gia. Hóa ra, vừa chỉ đạo cán bộ của mình nhanh chóng làm thủ tục đổi thẻ BHYT, vừa trò chuyện thân tình, biết vị khách mới tham gia BHYT, ông Rí lập tức chuyển hướng về sự cần thiết của BHXH tự nguyện- một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm mang lại điểm tựa an toàn cho những người không có nguồn thu nhập ổn định. Kết quả, khi đổi xong thẻ BHYT, người đàn ông đã đề nghị ông Rí giúp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng.

“Sao anh Rí thuyết phục người ta hay vậy?”. Nghe tôi hỏi, ông Rí dí dỏm: “Nói phải thì ai cũng nghe. Người làm chính sách phải làm việc với một bầu máu nóng, chứ không phải nóng máu”. Thực tế, có nhiều trường hợp được BHXH huyện U Minh mời dự hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện nhưng nhất định không đi, chỉ vì hiểu nhầm BHXH là BH thương mại. Tuy nhiên, sau hội nghị, họ lại chủ động liên lạc với ông Rí nhờ tư vấn, hỗ trợ và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện...

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Còn nhớ, năm 2018, huyện U Minh mới có 243 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,24% dân số của huyện, là địa phương có số người tham gia BHXH tự nguyện thấp nhất tỉnh Cà Mau. Trước thực tế này, ông Rí đã tự mày mò nghiên cứu và quyết định vận dụng nghệ thuật của “vị tướng phong trào”- Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đó là “bám sát đối tượng mà tuyên truyền”. Ngay sau đó, một kế hoạch phối hợp tuyên truyền được triển khai tại địa bàn ấp/khóm với 3 bước cơ bản đã ra đời, với trọng tâm phải có được sự ủng hộ, phối hợp giữa UBND xã, BHXH huyện và Bưu điện huyện.

Ông Phan Văn Rí (áo trắng) trao đổi với người dân về chính sách BHXH, BHYT

Kết quả, tháng 3/2019, chỉ trong 4 ngày đầu thí điểm, đã có 8 hội nghị tuyên truyền theo phương thức mới được tổ chức tại 15 ấp của xã Khánh Thuận, qua đó vận động được khoảng 230 người tham gia. Nhận thấy hiệu ứng tích cực, BHXH huyện U Minh liền chủ động phối hợp với Bưu điện huyện xây dựng kế hoạch triển khai tới các xã, thị trấn còn lại. Vì vậy, kết thúc năm 2019, huyện U Minh có tới 1.463 người tham gia, đạt 213,26% kế hoạch tỉnh giao, bình quân mỗi tháng tăng 121 người. Đây chính là bước mở đầu cho chuỗi “đột phá” của BHXH huyện U Minh…

Mặc dù vậy, theo Giám đốc BHXH huyện U Minh: “Đạt được thành tích cao đã khó, duy trì thành tích còn khó hơn, nhất là thành tích công tác an sinh xã hội luôn gắn với việc chăm lo quyền lợi của người dân”. Thời điểm cuối năm 2019, các huyện, thành phố của Cà Mau phát triển đối tượng tham gia đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, nhưng sang đến đầu năm 2020 thì tỷ lệ giảm xuống rất thấp. “Nếu chúng ta quản lý, chăm sóc đối tượng không tốt thì không giữ được đối tượng và không phát triển mới đối tượng dễ dàng, người này dừng đóng thì lôi kéo những người khác dừng theo”- ông Phan Văn Rí phân tích.

Quan điểm chung được BHXH huyện U Minh thống nhất là cơ quan BHXH phải có trách nhiệm cùng ngành Bưu điện theo dõi, chăm sóc, đôn đốc thu, quản lý đối tượng tại địa bàn; hỗ trợ giúp đỡ đối tượng thanh toán các chế độ BHXH, BHYT khi gặp khó khăn, nhất là các thủ tục có liên quan và thường xuyên cập nhật, triển khai những chính sách mới đến đối tượng. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tái tục trên địa bàn huyện duy trì trên 90% và phát triển mới vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Cốt lõi của sáng kiến “Giải pháp duy trì bền vững, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện” của BHXH huyện U Minh chính là sự phối hợp, tổ chức, triển khai thực hiện; quản lý, chăm sóc đối tượng được tốt hơn, không ai phải dừng đóng, ai cũng được tham gia thụ hưởng chính sách của Nhà nước và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chia sẻ thêm bí quyết để trở thành một tuyên truyền viên “đánh đâu thắng đó”, ông Phan Văn Rí bảo: “Việc làm cho người dân hiểu được BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đòi hỏi bản thân người thực hiện chính sách phải công tâm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể như hỗ trợ nhân dân trong việc cấp đổi thẻ BHYT; với các em đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp ngoài địa bàn đã nghỉ việc chưa hưởng chế độ BHXH, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp... thì hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục cho họ được hưởng đúng quy định. Những trường hợp thay đổi phương thức đóng, mức đóng hoặc dừng đóng để bảo lưu... sẽ phân công viên chức quản lý và đại lý thu liên hệ hỗ trợ ngay...”.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của ông Rí, đó chính là lần giúp đỡ “hoàn chủ” cuốn sổ BHXH mà ông vô tình nhặt được cho chị Nguyễn Lệ Thủy- từng là giáo viên, chẳng may bị tai biến phải nằm liệt giường trong suốt hơn 24 năm, phải nhờ sự chăm sóc của người mẹ đã hơn 80 tuổi. Đó là một trong những cuốn sổ vô chủ mà ông Rí tình cờ nhặt lại từ đống phế liệu, được ông cẩn thận lưu giữ suốt 15 năm, bởi ông hiểu rõ đây là thành quả công tác hàng chục năm của những người sở hữu. Trong một lần tình cờ ghé thăm, khi nghe kể gia cảnh khó khăn của chị Thủy, cuốn sổ BHXH đó đã hoàn thành sứ mệnh nhân văn của mình. Chủ động giúp đỡ người phụ nữ đáng thương xác minh, hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục còn thiếu, ông Rí cũng là người trực tiếp hướng dẫn gia đình làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần. Ngày 1/4/2020, BHXH huyện U Minh và Bưu điện huyện đã trực tiếp chi trả tại nhà cho chị Nguyễn Thị Thủy hơn 60 triệu đồng...

Ông Rí bảo, U Minh là vùng đất nhiễm phèn mặn, nghèo khó của tỉnh Cà Mau. Thu nhập thấp nên hộ nghèo, cận nghèo của huyện luôn cao nhất tỉnh, nhưng người dân U Minh lại ít có thói quen tích lũy cho cuộc sống khi về già. “Mình là người hiểu rõ những lợi ích, ý nghĩa lâu dài mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại cho người dân, thì càng cần phải có trách nhiệm làm sao cho mọi người tin tưởng và tham gia, hưởng thụ toàn diện những quyền lợi to lớn mà Đảng và Nhà nước dành cho họ...”- ông Rí trải lòng. Với ông Rí, đó không chỉ là trách nhiệm với công việc, mà còn là nguyên tắc sống nhân văn của những người đã chọn việc thực hiện chính sách an sinh xã hội là sự nghiệp của mình.

Cũng bởi vậy, ngoài việc tổ chức triển khai, phối hợp theo kế hoạch chung của đơn vị, ông Rí còn đặt mục tiêu cho bản thân mình, đó là mỗi tháng phải tự tuyên truyền, vận động được khoảng 10 người tham gia. Kế hoạch riêng này được ông duy trì thực hiện từ tháng 4/2020 đến nay và tháng nào cũng vượt “chỉ tiêu”.

Lương Minh