Print

Kiến nghị cho học sinh học bán trú trở lại sau Tết Nguyên đán

Thứ Sáu, 14 /01/2022 17:01

Ngày 14/1, Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND TP.HCM) do ông Cao Thanh Bình làm Trưởng đoàn, cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát và làm việc tại huyện Nhà Bè về công tác dạy học trực tiếp và công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trực tiếp trở lại đối với một số khối lớp trên địa bàn huyện.

Tại buổi khảo sát, bà Lê Thị Anh Thư- Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 124 cơ sở giáo dục, bao gồm cả công lập và ngoài công lập, với tổng số 38.550 học sinh. Từ ngày 13/12/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nhà Bè đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện linh hoạt theo cấp độ dịch; đồng thời xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch tại cơ sở khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại trước ngày 9/12/2021.

Cụ thể, từ ngày 13/12/2021 đến ngày 31/12/2021, các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện đã tổ chức dạy học trực tiếp 3 tuần (riêng Trường THPT Dương Văn Dương dạy 2 tuần) đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 theo cấp độ dịch của huyện. Các trường đã bố trí thời lượng học tập trực tiếp không quá 24 tiết/tuần và thực hiện số tiết còn lại trực tuyến trên hệ thống LMS.

Theo bà Thư, đối với những lớp có trên 40 học sinh sẽ được tách thành 2 lớp và bố trí 2 lớp kế nhau để giáo viên di chuyển thuận lợi cho việc giảng dạy cả 2 lớp. Riêng đối với các lớp có sĩ số dưới 40 học sinh, trường giữ nguyên biên chế lớp, không tách lớp và đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh trong lớp theo quy định. Các trường còn bố trí phòng học trống dự phòng để khi phát hiện học sinh bị F0 sẽ tách các em riêng phòng và tiến hành xử lý theo hướng dẫn của ngành Y tế. Bên cạnh đó, từ ngày 4/1 đến 12/1/2022, huyện đã chính thức mở rộng dạy học trực tiếp đối với các khối lớp 7, 8, 10, 11 theo hình thức trực tiếp theo cấp độ dịch và bảo đảm công tác phòng chống dịch của các đơn vị.

Chia sẻ về việc tổ chức học bán trú cho học sinh, bà Thư cho rằng, qua khảo sát lấy ý kiến từ phụ huynh học sinh, thì tỷ lệ phụ huynh muốn con đi học trực tiếp rất cao, chỉ có khối 6 là 55%, còn những khối còn lại từ mầm non đến tiểu học đều ở mức cao, nhất là bậc tiểu học. Đặc biệt, qua quá trình theo dõi, thì việc học sinh đến trường và bị lây nhiễm trực tiếp ở trường rất thấp, mà nguồn lây nhiễm chủ yếu từ nhà vào trường và đều đã xử lý ngay. Hiện các trường và giáo viên đều có kỹ năng trong phòng chống dịch tốt.

“Khi thành phố cơ bản kiểm soát dịch bệnh và trở lại cuộc sống bình thường, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thì nhu cầu phụ huynh mong muốn để con đi học trực tiếp và bán trú trở lại là rất lớn, đặc biệt đối với công nhân lao động. Do đó, mong thành phố sớm triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi để trẻ sớm đi học trở lại, vì học trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả cũng như sự tiếp thu bài vở của các em được tốt hơn”- bà Thư kiến nghị.

Cũng tại buổi khảo sát, bà Lê Thị Oanh- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè thông tin, huyện đang thí điểm một trường có hoạt động bán trú và trường này tổ chức bán trú rất bài bản, giờ học và giờ chơi đều được phân chia khoa học, hợp lý. Song song với đó, công tác chuẩn bị tại các trường mầm non, tiểu học, THCS cũng hoàn chỉnh kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch tại đơn vị khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, vệ sinh trường lớp để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường; tổ chức họp cha mẹ học sinh để sinh hoạt về các vấn đề cần lưu ý trong phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.

Đại diện Trường THPT Phước Kiển cho biết, để đáp ứng tình hình phòng chống dịch, nhà trường chia một lớp thành 3 lớp khi học sinh học trực tiếp. Điều này khiến giáo viên rất vất vả và việc dạy học trực tiếp thiếu hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, giáo viên đang đứng lớp này lại chạy sang lớp kia dạy tiếp, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian này. “Tuy nhiên, việc chia tách lớp như thế này không chỉ khiến giáo viên vất vả, mà sẽ không tận dụng được thời gian vàng của học trực tiếp. Đó là khó khăn của vấn đề tách lớp”- thầy Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Phước Kiển chia sẻ thêm.

Kết luận buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình- Trưởng ban Văn hóa-Xã hội (HĐND TP.HCM) ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Giáo dục huyện Nhà Bè trong thời gian qua và rất đồng tình với việc mở lại bán trú trong các trường học. Vì, theo ông Bình, các gia đình không thể cho con đi học trực tiếp rồi nửa buổi lại rước con, vừa ảnh hưởng giờ làm, vừa ảnh hưởng việc học của các con… “Với kết quả khảo sát ngày hôm nay, Ban Văn hóa-Xã hội sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Sở Y tế và Sở GD-ĐT để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất, nhằm đảm bảo việc học trực tiếp đồng loạt của học sinh sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”- ông Bình nhấn mạnh.

Đăng Khoa