Print

Ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều cố gắng, thích ứng linh hoạt với tình hình

Thứ Hai, 10 /01/2022 20:28

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 của BHXH Việt Nam, bên cạnh phân tích 8 thành tựu nổi bật trong năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành BHXH Việt Nam đang và sẽ gặp phải trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu toàn Ngành cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2022, tiếp tục thực hiện thắng lợi được giao. Tạp chí BHXH trích đăng phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

8 thành tựu nổi bật năm 2021

Tôi hết sức vui mừng, phấn khởi cùng các lãnh đạo ban, ngành Trung ương và địa phương dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành BHXH Việt Nam!

Toàn Ngành triển khai nhiệm vụ năm 2021 với tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, và đặc biệt tác động đến thu nhập của người dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, DN... Rồi một số chính sách của Đảng và Nhà nước thay đổi, đặc biệt là mức lương tối thiểu vùng tăng lên... Những tác động đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cũng như sự phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương, kết quả đạt được hết sức đáng khích lệ trên nhiều mặt công tác.

Có thể nói, mặc dù khó khăn, nhưng toàn Ngành đã có nhiều cố gắng, có những thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình và chỉ đạo, điều hành đảm bảo tốt các mặt công tác, đặc biệt đảm bảo được quyền lợi của người dân. Trong bối cảnh chúng ta có nhiều khó khăn và nhiều giải pháp nghiêm ngặt chống dịch Covid-19, thì hoạt động của ngành BHXH vẫn thông suốt, chi trả quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong lúc khó khăn- điều này có tác dụng rất lớn đảm bảo an sinh xã hội. Báo cáo của BHXH Việt Nam đã cho thấy nhiều sáng kiến như: Chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà... Những mô hình, cách làm sáng tạo như thế giúp Ngành thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, đồng thời cũng giúp Chính phủ cả hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Thứ hai, công tác chống dịch gắn liền với công tác an sinh xã hội. Khi chúng ta chưa đạt được độ bao phủ vắc-xin đảm bảo an toàn, phải sử dụng cả các biện pháp hành chính như giãn cách xã hội để hạn chế lây lan, thì công tác an sinh xã hội rất quan trọng, nhưng tổ chức cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình đó, cùng với cả hệ thống chính trị, ngành BHXH đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả tích cực và quan trọng.

Cụ thể là 2 Nghị quyết quan trọng trong năm 2021 mà Chính phủ đã ban hành, mà toàn ngành BHXH phối hợp với các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện rất tốt. Đó là Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ khó khăn do Covid-19, trong đó chính sách thứ 12 là hỗ trợ cho lao động phi chính thức. Thứ hai là Nghị quyết 116 hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp với số tiền chi trả lớn 38.000 tỷ.

Đặc biệt, trong lúc khó khăn và đòi hỏi cấp bách như thế, thì ngành BHXH đáp ứng rất nhanh. Từ tham mưu đề xuất, xây dựng chính sách và khi chính sách được ban hành thì chi trả rất nhanh. Trong 5 ngày đầu tiên triển khai Nghị quyết 116, ngành BHXH đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BH thất nghiệp đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền điều chỉnh giảm trên 7.595 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2021, đã giải quyết, chi hỗ trợ từ quỹ BHT thất nghiệp cho 12,94 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, gói hỗ trợ này cơ bản đã giải ngân xong.

Nếu không có gói hỗ trợ như thế này, trực tiếp đến với NLĐ, không có giải pháp giải ngân nhanh như thế này, thì lập tức khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu kích cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quý IV tăng lên đã giúp cho tăng trưởng chung của cả năm 2021 dương... Có thể nói, kết quả nổi bật này rất đáng hoan nghênh.

Chúng ta biết rằng, làm chính sách khó là rất khó, bởi vì xây dựng thì dễ, nhưng làm thế nào để chính sách đến với người dân và sự tiếp nhận của người dân tích cực? Nhưng, qua 2 chính sách này cho thấy sự đồng thuận rất cao.

Thứ ba là thực hiện nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội về độ bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mặc dù khó khăn như thế, mặc dù có chỉ tiêu chưa đạt, nhưng so với năm 2020 là tăng lên. Một số khó khăn đã được chỉ ra như: Công bố danh sách mới về vùng đặc biệt khó khăn, tiền lương tối thiểu vùng tăng lên... Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHXH vẫn tích cực, đặc biệt tỷ lệ BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW. Đặc biệt, tổng thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng tăng so với năm 2020, đạt gần 400.000 tỷ đồng... Trong điều kiện kinh tế chúng ta thực hiện những nhiệm vụ chính trị lớn, tôi đánh giá rất cao và Chính phủ cũng đánh giá rất cao những kết quả này.

Thứ tư, một thành công đáng ghi nhận là chuyển đổi số của ngành BHXH. Tôi đánh giá từ định hướng, cách làm, tổ chức thực hiện, phối hợp và triển khai tốt. Trong ngành BHXH, công tác chuyển đổi số đạt được kết quả quan trọng, có những phần mềm ứng dụng đã đi vào cuộc sống, khai thác và sử dụng hiệu quả. Những kết quả tích cực của ngành BHXH Việt Nam mà tôi đã ghi nhận, phần lớn nhờ chúng ta ứng dụng và chuyển đổi số thành công, bài bản, phục vụ lớn cho nhiệm vụ chính trị. Hiện chúng ta có mấy hệ thống CSDL quốc gia lớn, chúng ta đề nghị các bộ, ngành thực hiện chủ trương chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều sáng tạo. Hiện, chức năng và nhiệm vụ thanh tra của ngành BHXH Việt Nam chưa đầy đủ. Tuy nhiên, dựa vào những chức năng đã có và ứng dụng, phần mềm cũng như chuyển đổi số, các đồng chí kết hợp và vẫn làm rất tốt. Thanh tra trong thời gian giãn cách vì dịch, có nhiều sáng tạo trong công tác thanh tra, theo phương thức điện tử... đây cũng là một thành công.

Thứ sáu là về chỉ tiêu Chính phủ giao về đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt, ngành BHXH đã vượt chỉ tiêu được giao, cuối năm 2021 đã đạt 57%, góp phần thực hiện chương trình thanh toán không dùng tiền mặt chung quốc gia, đồng thời cải thiện về minh bạch, thanh tra, kiểm tra, chi trả thuận lợi hơn.

Thứ bảy là về truyền thông thích ứng linh hoạt trong đại dịch Covid-19. Muốn mở rộng, thực hiện tốt chính sách thì phải thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức người dân. Trong năm qua, ngành BHXH đã thực hiện rất tốt. Đây cũng là một trong những nội dung nổi bật.

Thứ tám là công tác quản lý quỹ. Hiện nay, theo số liệu BHXH Việt Nam công bố, tổng số dư các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến hết tháng 12/2021 đạt 1,075 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020; tiết kiệm chi quỹ từ 10-15%. Quỹ cũng được sử dụng đúng hướng khi được sử dụng trên 86% mua trái phiếu Chính phủ, còn lại gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước xếp loại tốt. Lãi suất đầu tư bình quân là 4,8%, cao hơn 3% so với chỉ số lạm phát năm 2021.

Đây là những kết quả nổi bật để ngành BHXH tiếp tục phát huy trong năm 2022. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và cố gắng của toàn thể CBCCVC và NLĐ của ngành BHXH đạt được trong năm qua trong điều kiện hết sức khó khăn, góp phần đảm bảo kinh tế-xã hội, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong thời gian chúng ta chống dịch bệnh Covid-19.

8 giải pháp trọng tâm năm 2022

Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với BHXH Việt Nam (theo Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 16/12 2021 của Văn phòng Chính phủ) cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế về cơ chế, pháp luật như: Công tác thanh tra, xử lý nợ đọng, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH của các DN; giải quyết chế độ của người tham gia BHXH với DN ngừng hoạt động hoặc giải thể; khó khăn trong độ bao phủ do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chính sách; việc sắp xếp CBCCVC...

Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo hôm nay của BHXH Việt Nam, tôi đề nghị các đồng chí cố gắng phân tích tìm ra các giải pháp phù hợp khắc phục các hạn chế. Trên các cơ sở này, dự báo tình hình năm 2022 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như đã đề cập, tôi đề nghị ngành BHXH tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm trong năm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trong đó chú trọng tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết Trung ương; nhiệm vụ và giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa ra các giải pháp cụ thể, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam. Phải có đề xuất sớm để tháo gỡ vướng mắc để chúng ta thuận lợi trong hoạt động. Cụ thể như tháo gỡ liên quan đén chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của ngành BHXH trong chức năng thanh tra.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt. Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ phù hợp.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng.

Thứ năm, quản lý quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện chúng ta đã quản lý tốt các quỹ an sinh, nên cần tiếp tục nghiên cứu để dành phần lớn nguồn quỹ tham gia vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC và chuyển đổi số, xây dựng CSDL, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; chống tiêu cực, tham nhũng. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng.

Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bởi, nhận thức của nhân dân thông suốt thì chính sách mới bền vững.

Thứ tám, Ngành đã sẵn có cơ chế chính sách, nguồn lực, nền tảng chuyển đổi số, thì yêu cầu tiên quyết vẫn phải gắn với nhân tố con người và tổ chức bộ máy. Với số lượng CBCCVC và NLĐ như hiện nay, Ngành cần tiếp tục quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với kết quả đạt được, cũng như kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm của toàn thế lãnh đạo, CBCCVC và NLĐ, tôi tin tưởng và hy vọng rằng, năm 2022, ngành BHXH sẽ tiếp tục phát huy có nhiều giải pháp hơn nữa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

N.Thảo (Ghi)